Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Khi ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật (Thông tư, Chỉ thị, Quyết định,…) cần nghiên cứu thật kỹ về tính khả thi của văn bản để việc tổ chức thực hiện được sự đồng thuận của người dân, hạn chế trường hợp phải điều chỉnh nhiều lần hoặc bãi bỏ.

Gửi bởi: Cử tri tỉnh Trà Vinh   

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 11   

Địa phương: Trà Vinh   

Đơn vị xử lý: Chính phủ   

Lĩnh vực: Chính phủ   

Trả lời:

Tại Công văn số 2262/BTP-VP ngày 7/7/2016

Ngày đăng: 07/07/2016

Luật ban hành VBQPPL quy định các nguyên tắc trong xây dựng, ban hành VBQPPL phải bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi… để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc đó, Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL trong đó có những khâu rất quan trọng để đảm bảo các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, được xã hội và người dân chấp thuận.

Theo quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL đã bổ sung quy trình xây dựng, thông qua chính sách trước khi soạn thảo văn bản. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL phải tiến hành xây dựng chính sách, tổ chức đánh giá tác động của chính sách nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất để thực hiện chính sách, các chính sách này phải được lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, của người dân bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như qua cổng thông tin điện tử, qua các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm, qua các phương tiện thông tin đại chúng… Đối với các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân thì phải lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, liên quan đến doanh nghiệp thì phải lấy ý kiến của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các chính sách do tỉnh ban hành thì có thể phải tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để người dân tham gia ý kiến.

Trong giai đoạn soạn thảo VBQPPL, các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phải tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, lấy ý kiến của người dân bằng các hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, khu vực. Sau khi lấy ý kiến, các cơ quan chủ trì soạn thảo phải tổng hợp nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, giải trình rõ lý do không tiếp thu các ý kiến và đăng tải công khai báo cáo tiếp thu, giải trình để người dân biết.

Như vậy, pháp luật về ban hành VBQPPL đã quy định rất nhiều hình thức, phương thức để cho các cơ quan, tổ chức, người dân tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách và trong cả quá trình soạn thảo văn bản. Sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, người dân vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản sẽ góp phần bảo đảm cho các chính sách trong văn bản phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội và người dân. Cùng với các quy định trên, pháp luật về ban hành VBQPPL cũng đã giao trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra VBQPPL có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra về tính khả thi của các chính sách trong các VBQPPL.

Để triển khai thi hành có hiệu quả các quy định trên của Luật ban hành VBQPPL, đảm bảo tính khả thi của văn bản khi ban hành, với vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh việc tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện một số các giải pháp sau:

- Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương khi xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản cần quan tâm chú trọng phân tích chính sách thật kỹ, tuân thủ đúng quy định lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân, tiếp thu các ý kiến phù hợp để đảm bảo các văn bản có tính khả thi cao.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đặc biệt là thẩm định tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của các chính sách trong văn bản; kiên quyết loại trừ các chính sách không phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý các VBQPPL, kiên quyết xử lý các văn bản trái Hiến pháp, pháp luật.