Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay việc nhắn tin qua điện thoại (quảng cáo, tin rác…) quá nhiều, gây phiền phức cho khách hàng. Đề nghị ngành chức năng sớm ngăn chặn tình trạng này, quản lý chặt chẽ hơn nữa các hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo bằng tin nhắn điện thoại.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hải Phòng   

Đơn vị xử lý: Bộ thông tin và truyền thông   

Trả lời:

Tại công văn số 2654/BTTTT-VP ngày 10/9/2013

Ngày đăng: 11/06/2014

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, số lượng thuê bao viễn thông và các dịch vụ nội dung, ứng dụng trên mạng viễn thông ở Việt Nam phát triển rất nhanh. Bên cạnh những mặt tích cực trong việc đóng góp cho sự phát triển của viễn thông và nền kinh tế Việt Nam nói chung, thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó điển hình là tình trạng lợi dụng phương tiện truyền thông quảng cáo không đúng sự thật để lừa đảo, cung cấp nội dung không lành mạnh (cá cược, cờ bạc, mê tín dị đoan) và nhất là trên điện thoại di động là vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo gây phiền toái cho người sử dụng. Trước tình trạng nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế các tiêu cực này, cụ thể như sau:

1. Hoàn thiện chính sách và tăng cường thực thi pháp luật về quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác nói chung và tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, ban hành Chỉ thị số 04 CT/BTTTT ngày 30/7/2009 giao cho các đơn vị có liên quan trong Bộ và các Sở Thông tin và Truyên thông triển khai các biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tin nhắn rác trên mạng viễn thông di động. Liên quan đến các nội dung quảng cáo bằng tin nhắn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT ngày 30/12/2008 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP, trong đó, quy định rõ ràng đối với việc nhắn tin quảng cáo, cấp mã số quản lý cho các doanh nghiệp quảng cáo, cho phép người sử dụng từ chối nhận tin quảng cáo, v.v... Vì vậy, số lượng tin nhắn quảng cáo “rác” giảm đáng kể, nếu như người sử dụng từ chối nhận tin quảng cáo.

- Để tăng cường hơn nữa việc ngăn chặn tin nhắn rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP. Trong đó tập trung điều chỉnh một số vấn đề: Tăng cường quản lý dịch vụ nội dung qua tin nhắn; tăng cường khả năng ngăn chặn, phối hợp xử lý tin nhắn rác giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông; thực hiện mô hình opt-in đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp; sửa đổi, bổ sung nội dung xử phạt về tin nhắn rác nhằm tăng cường khả năng thực thi pháp luật.

- Nhằm tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, ngày 13/4/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT thay thế Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT ngày 24/6/2009 về quy định quản lý thuê bao trả trước nhằm đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của thông tin thuê bao di động trả trước; vì vậy, số lượng thuê bao điện thoại di động ảo sẽ giảm đáng kể, góp phần giảm thiểu tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nạn “SIM rác”.

- Bên cạnh các giải pháp về hành chính cần có giải pháp về kinh tế nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Ngày 12/10/2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 14/2012/TT-BTTT ngày 12/10/2012 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013), quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất, trong đó quy định mức cước hòa mạng cố định áp dụng cho thuê bao di động bao gồm cả thuê bao trả trước và trả sau; các doanh nghiệp di động không được tăng, giảm giá và khuyến mại đối với giá cước hòa mạng và không được nạp sẵn tiền vào SIM trả trước. Triển khai thực hiện tốt 2 thông tư trên sẽ góp phần bảo đảm việc phát triển dịch vụ thông tin di động bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản theo hướng xử lý nghiêm, có tính răn đe cao (tăng mức phạt, hình thức xử phạt) thay thế Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011, trong đó có bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm về quảng cáo điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Quảng cáo phù hợp với thực tế để hạn chế tối đa các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, theo đó sẽ quy định cụ thể về các phương thức quảng cáo; trong đó có quảng cáo chạy chữ dưới chân màn hình, quảng cáo trên mạng thông tin máy tính.

2. Về công tác thực thi:

Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:

- Tăng cường định hướng, chỉ đạo thông tin:

+ Tiếp tục tăng cường định hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần về vấn đề quảng cáo; kịp thời có các văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, trong đó có các Đài Phát thanh - Truyền hình trong việc phát sóng các chương trình quảng cáo.

+ Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm VNCERT) đã thiết lập các hệ thống quản lý về an toàn thông tin, xây dựng kênh tiếp nhận và xử lý các tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo sai quy định nhằm phục vụ công tác theo dõi, giám sát tình hình tin nhắn rác qua đầu số 456; xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Tăng cường thanh, kiểm tra:

 + Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối hợp tham gia của các Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương.

+ Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an (C50) tiến hành thanh tra hơn 50 Công ty cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, đã xử phạt và đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với một số doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác, yêu cầu doanh nghiệp di động hủy hợp đồng cung cấp đầu số dịch vụ nội dung với các doanh nghiệp này.

​3. Các biện pháp sẽ tiến hành trong thời gian tới

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT nhằm tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, làm cơ sở để ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng sử dụng SIM trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo;

Thứ hai, tăng cường triển khai Thông tư số 11/2010/TT-BTTT về quy định quản lý khuyến mại đối với dịch vụ di động, cùng với việc triển khai Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT và Thông tư số 14/2012/TT-BTTT ngày 12/10/2012 về quản lý giá cước nhằm hạn chế tối đa vấn nạn “SIM rác”, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên kho số viễn thông.

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các nội dung tại Nghị định 77/2012/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp CSP thông qua việc cấp mã số quản lý và yêu cầu CSP lưu trữ dữ liệu đầy đủ, an toàn, loại bỏ các thông tin vi phạm pháp luật và đặc biệt nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp di động trong hoạt động xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác. Nghiên cứu và xây dựng các quy định quản lý chặt hơn hoạt động quảng cáo thông qua dịch vụ nhắn tin SMS trên di động.

Thứ tư, triển khai thực hiện tốt Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó cần quản lý chặt chẽ hơn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin (CSP). Xây dựng Thông tư quy định kết nối giữa doanh nghiệp CSP với doanh nghiệp di động, theo đó Bộ sẽ thu hồi và trực tiếp cấp các đầu số dịch vụ nội dung cho doanh nghiệp CSP, quy định cụ thể việc kết nối, giá cước kết nối, quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông di động và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung CSP, nhằm thúc đẩy cạnh tranh, sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp CSP, góp phần hạn chế tin nhắn rác quảng cáo, tin nhắn lừa đảo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động thanh tra về phát tán tin nhắn rác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, sẽ áp dụng các biện pháp đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan an ninh để điều tra, truy tố trước pháp luật đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc cung cấp dịch vụ.