Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực Bộ Giáo dục - Đào tạo

Gửi bởi: Kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực Bộ Giáo dục - Đào tạo   

Kỳ họp: Quốc hội Khóa XIV    Kỳ họp thứ 2   

Trả lời:

STT

Nội dung

Địa phương

I. Về chương trình giáo dục

 

Đề nghị xem xét lại việc cải cách giáo dục, vì trong mấy năm gần đây ngành giáo dục thường xuyên thực hiện việc cải cách đã gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và rất tốn kém kinh phí cho việc cải cách.

An Giang, Phú Yên

 

Cử tri tiếp tục phản ánh nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn tiền của và nguồn nhân lực xã hội. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm mà chưa có giải pháp căn cơ. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đề ra phương hướng, có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, biện pháp tháo gỡ hiệu quả tình trạng trên.

Bình Dương, Hưng Yên, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Quảng Nam, Bạc Liêu, An Giang, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Long An, TP Hồ Chí Minh

 

Cử tri phản ánh Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên thay đổi hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong những năm gần đây gây tâm lý hoang mang, lo lắng, khó chủ động trong công tác giảng dạy và học tập cho các giáo viên, học sinh. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thống nhất chung một hình thức thi ở các cấp học, các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học để giáo viên, học sinh yên tâm, tập trung cho việc dạy và học.

Bình Dương, Tiền Giang, Thái Bình, Long An

 

Đề nghị nghiên cứu và phát triển chương trình giáo dục đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội để những người sau khi được đào tạo nhanh chóng có được công việc ổn định.

Bình Dương

 

Cử tri cũng quan tâm đến chất lượng giáo dục đào tạo trong nước, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra hầu hết ở các địa phương, chất lượng đào tạo tại một số cơ sở còn thấp, dẫn đến tình trạng đầu ra không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn đến thất nghiệp gia tăng. Đề nghị cần rà soát và có quy hoạch cụ thể về việc cấp phép cho mở các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học, cao đẳng tránh tình trạng quá nhiều trường đại học, cao đẳng không đảm bảo chất lượng giảng dạy như hiện nay.

Bình Dương, Hưng Yên, Trà Vinh, Đà Nẵng

 

Cử tri phản ánh việc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong thời gian qua hiệu quả còn hạn chế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới tổ chức công tác thi và tuyển sinh đồng bộ với quá trình đổi mới dạy và học, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; tổ chức định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông phù hợp với cơ cấu phát triển nguồn nhân lực quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của từng địa phương, từng vùng và của cả nước.

Sóc Trăng, Thái Bình, Đà Nẵng

 

Cử tri cho rằng chương trình học hiện nay đối với học sinh phổ thông khá nặng. Đề nghị ngành giáo dục xem xét, có những giải pháp cải cách nhằm giảm tải chương trình học nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo đối với học sinh phổ thông.

Đắk Lắk

 

Thời gian vừa qua, Bộ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải cách giáo dục. Tuy nhiên, cử tri cho rằng việc cải cách này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Việc giáo dục còn nặng về lý thuyết, chưa quan tâm đến giáo dục kỹ năng và thực hành cho học sinh ở từng lứa tuổi.

Tiền Giang

 

Việc đổi mới nội dung sách giáo khoa ở bậc tiểu học thời gian đang bộc lộ nhiều hạn chế, lãng phí và chưa phù hợp; chương trình môn Tiếng Việt quá khác biệt so với trước đây, đã gây khó khăn cho phụ huynh trong việc giúp con em học tập; việc đổi mới phương pháp học nhóm ở bậc trung học cơ sở đã tạo tâm lý dựa dẫm của các em học sinh yếu vào các em học giỏi hơn mà không khuyến khích các em tích cực tự học. Do vậy, đề nghị Bộ xem xét, tiếp tục nghiên cứu để có sự đổi mới nội dung và chương trình sách giáo khoa các cấp học cho phù hợp và ổn định hơn.

Tiền Giang

 

Có ý kiến đề nghị cần nâng tầm môn học Giáo dục công dân và đưa vào chương trình thi tốt nghiệp THPT, cho rằng vì đây là môn học rất quan trọng để học sinh có kỹ năng sống thực tế sau khi ra trường. Cũng có ý kiến khác đề nghị Bộ không nên bỏ môn thi Lịch sử trong các kỳ thi quốc gia vì hiện nay tình trạng học sinh hiểu về lịch sử ngày càng lệch lạc, và đây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm lòng yêu nước của thế hệ trẻ.

Ninh Thuận

 

Cử tri cho rằng, sau 08 năm triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả như thế nào thì người dân chưa thấy. Đề nghị Chính phủ trả lời cử tri biết về vấn đề này.

Đà Nẵng

 

Đề nghị tăng cường việc quản lý đào tạo sau đại học, kiên quyết không chấp nhận việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ đối với những người không có bằng đại học đúng chuyên ngành, hoặc chuyên ngành gần (Ví dụ học thể chất lại đi học thạc sỹ kinh tế,….). Đề nghị Bộ giáo dục và đào tạo kiểm tra, rà soát các trường đại học, viện nghiên cứu không thực hiện quy định của Bộ giáo dục và đào tạo về việc công nhận chứng chỉ ngoại ngữ được cấp từ các đơn vị đã được Bộ giáo dục và đào tạo công nhận (Đã có chứng chỉ ngoại ngữ khung châu âu do các trung tâm nói trên cấp nhưng lại không được miễn thi đầu vào vì nhà trường không công nhận).

Cao Bằng

 

Cử tri góp ý: bệnh ưa thành tích và bệnh giả dối trong giáo dục rất nặng, ở trường thầy cô dạy phải biết khôn để giành phần thắng, đóng kịch trong những tiết dự giờ, những lúc có tranh tra… Tình trạng học sinh học yếu kém cỡ nào thì cũng lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng.

Trong trường học từ phổ thông lên đại học có bệnh “đồng phục” từ ăn mặc đến tư duy. Nhưng tư duy cũng đồng phục giết chết tư duy sáng tạo của học sinh. “Giáo dục chạy theo mục tiêu con ngoan, trò giỏi làm sản phẩm giáo dục bị triệt tiêu khả năng cá nhân. Trò giỏi là thuộc bài, làm đúng theo bài giải của cô giáo, làm sáng tạo là… sai, là kém.

Về cấu trúc giáo dục phổ thông sắp tới cử tri kiến nghị: cần được thiết kế theo hai giai đoạn, giai đoạn căn bản từ lớp 1 đến lớp 9, giai đoạn định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12.

Lâm Đồng

 

Có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo có giải pháp để đưa lịch sử các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình giảng dạy cho học sinh nhằm nâng cao lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Phú Yên

 

Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo cần nghiên cứu cụ thể cho việc thi cử để đảm bảo tính ổn định, lâu dài; tránh ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh và phụ huynh.

Hải Dương

 

Cử tri cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần cải cách giáo dục nhưng hiệu quả chưa cao, chương trình giáo dục phổ thông còn nặng nề, nhồi nhét kiến thức bằng nhiều hình thức phụ đạo, dạy thêm, từ đó học sinh không có khả năng tiếp thu cũng như thời gian vui chơi, giải trí. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu xây dựng chương trình học phổ thông phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.

Đồng Tháp

 

Đề nghị xem xét lại phương án thi trắc nghiệm tại 1 số môn thi, nhất là với môn Toán vì cử tri cho rằng nếu dùng phương án thi trắc nghiệm đối với môn Toán sẽ không đo lường và phản ánh hết năng lực của học sinh đối với bộ môn này.

Bình Dương

 

Cử tri phản ánh hiện nay có 02 bộ tiêu chuẩn để đánh giá các cơ sở giáo dục đó là kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia, gây sự chồng chéo, chưa thống nhất. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp lại thành một bộ tiêu chí để thuận tiện cho cơ sở và nên điều chỉnh tiêu chuẩn về quy mô nhóm, lớp, về diện tích tối thiểu/học sinh cho phù hợp với thực tiễn của các vùng, miền và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Nghệ An

 

Cử tri phản ánh môn Ngoại ngữ và Tin học ở bậc tiểu học đang là môn tự lựa chọn để giảng dạy ở các trường, vì vậy giáo viên dạy 02 môn này chỉ là hợp đồng giảng dạy. Đề nghị Chính phủ sớm đưa 02 môn này vào chương trình bắt buộc.

Nghệ An

 

Đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc Đại học và dạy ngoại ngữ ở các bậc học phổ thông vì thực tế học sinh học xong phổ thông nhưng không thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh thành thạo.

Bà Rịa Vũng Tàu

 

Hiện nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp là phổ biến. Đề nghị ngành giáo dục chú ý việc đào tạo người có kiến thức cao, bằng đại học sau đại học buộc phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.

An Giang

 

Đề nghị xem xét lại việc Ngành Giáo dục cho phép việc dạy thêm, học thêm, vì đã qua vấn đề này các phụ huynh của con em học sinh đã phản ảnh nhiều lần, vừa gây mất thời giờ trong đưa đón con em học sinh và tốn kém thêm tiền nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, việc cho phép các thầy cô được dạy thêm nhằm tạo ra sự không nhiệt tình trong giảng dạy tại các buổi lên lớp chính khóa.

Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa

 

Có ý kiến cử tri đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong việc quản lý dạy thêm, học thêm. Cử tri cho rằng việc dạy thêm và học thêm đang là nhu cầu có thật của học sinh, nên nếu quy định theo hướng cấm cứng nhắc là chưa phù hợp. Cần thiết có thể cấm các giáo viên tổ chức dạy thêm (có thu phí) đối với các học sinh do mình trực tiếp giảng dạy.

Khánh Hòa

 

Hiện nay, việc triển khai mô hình trường học VNEN tại các trường Tiểu học và THCS có rất nhiều bất cập như sĩ số đông, đồng nghĩa với nhóm đông, làm việc không hiệu quả, chất lượng học tập giảm, đặc biệt, có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của học sinh (như vẹo cột sống, lác mắt). Cử tri đề nghị Bộ cần nghiên cứu, xem xét việc tiếp tục triển khai mô hình học tập này phù hợp với thực tế.

Ninh Bình

 

Cử tri tiếp tục phản ảnh việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) tại địa phương trong điều kiện hiện nay là chưa phù hợp, do đa số người dân địa phương hiện có mức thu nhập thấp, nên việc đầu tư cho con em theo mô hình mới gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại mô hình này.

An Giang

 

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa môn bơi lội vào chương trình chính khóa của giáo dục phổ thông, vì hiện nay tình trạng học sinh, trẻ em chết đuối ngày càng tăng và đáng báo động.  

Trà Vinh

 

Xem xét lại quy định về việc đánh giá năng lực học sinh Tiểu học không qua cho điểm như hiện nay sẽ gây khó khăn cho phụ huynh học sinh trong việc kiểm soát khả năng học tập của con em. Mặt khác, con em học sinh cũng không có động lực phấn đấu trong học tập.

Trà Vinh

 

Cử tri phản ánh tình trạng học sinh yếu về các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Đề nghị ngành Giáo dục thực hiện theo hướng “học gì thi đó”, nhưng có điều chỉnh hệ số môn thi để đạt hiệu quả tốt hơn.

Tây Ninh

 

Cử tri đề nghị cần đưa bộ môn môi trường vào giáo dục phổ thông thành môn học chính thức để góp phần tăng cường giáo dục ý thức người dân.

TP Hồ Chí Minh

 

Cử tri lo lắng trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tình trạng bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên ngày càng có xu hướng gia tăng. Cử tri đề nghị ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, đào tạo con người phải được chú trọng từ bậc tiểu học, đẩy mạnh hơn nữa công tác tư tưởng giáo dục các em học sinh

TP Hồ Chí Minh

 

Cử tri cho rằng trong những năm gần đây, bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn chưa được khắc phục, các kỳ thi quốc gia bậc THPT không ổn định, được tổ chức theo “tư duy nhiệm kỳ” của các Bộ trưởng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ giáo dục và Đào tạo có biện pháp khắc phục triệt để vấn đề này và nghiên cứu mô hình, cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia bậc THPT đảm bảo chất lượng ổn định lâu dài; các quy chế, quy định của Bộ ban hành cần phải có khoảng thời gian chuẩn bị thực hiện.

Hà Nội

II. Chính sách giáo viên

 

Cử tri phản ảnh, Đảng và Nhà nước khẳng định lương của giáo viên sẽ đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, đời sống đội ngũ giáo viên vẫn còn khó khăn và còn bất cập trong chế độ hưởng chính sách thâm niên đối với giáo viên, cụ thể: Giáo viên trong ngành hiện nay thì được hưởng chế độ tham niên với mức lương cao, trong khi giáo viên về hưu trước đây không được hưởng chế độ này. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu cải cách tiền lương để giáo viên an tâm công tác.

An Giang

 

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan bổ sung vào định mức danh mục vị trí việc làm đối với nhân viên nuôi dưỡng, nhân viên y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và có hướng dẫn về tuyển dụng chức danh Kế toán, Y tế trong các đơn vị trường học từ mầm non tới phổ thông.

Hải Phòng, Nghệ An

 

Cử tri phản ánh chính sách hỗ trợ đối với giáo viên lên các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chỉ áp dụng cho người từ nơi khác đến trong 05 năm. Sau 05 năm, nếu trường hợp người đó ở lại phục vụ lâu dài cho địa phương này thì không được áp dụng chính sách trên. Cử tri cho rằng đây là điều bất hợp lý. Đề nghị chỉnh sửa phù hợp để vừa huy động giáo viên nơi khác lên vùng khó khăn, vừa giữ chân họ gắn bó lâu dài ở địa phương.

Bắc Giang

 

Nhiều cử tri phản ánh đặc thù của giáo viên mầm non phải đến lớp sớm về trễ để giao nhận trẻ, thường phải làm việc từ 9 – 10 giờ/ngày nhưng ngoài lương thì không có chế độ gì khác. Đề nghị có chính sách, chế độ hỗ trợ thêm cho những giáo viên này.

Vĩnh Long, Tiền Giang

 

Có chính sách phù hợp về chỉ tiêu biên chế đối với giáo viên cấp tiểu học, vì hiện nay tình trạng quá tải so với định biên của giáo viên /lớp đang rất khó khăn đối với cấp huyện và cấp tỉnh (40 học sinh/lớp, vượt 15 học sinh/lớp so với quy định).

Thái Nguyên

 

Về xem xét thực hiện chế độ trả lương trực trưa cho cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non công lập: Ngày 18/8/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 4505/UBND-KGVX về việc xin ý kiến Bộ quản lý chuyên ngành về chế độ trực trưa cho cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non công lập (gửi Bộ GĐ và ĐT; Tài chính; Nội vụ). Đến nay, đã có trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hai nội dung trả lời của hai Bộ không thống nhất. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ có liên quan để có hướng dẫn thống nhất về giải quyết chính sách cho cán bộ, giáo viên.

Quảng Ngãi

 

Về cơ chế bảo lưu phụ cấp thâm niên cho viên chức tại trường được điều động về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, Sở Giáo dục và đào tạo: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, kiến nghị Chính phủ có cơ chế về chế độ bảo lưu phụ cấp thâm niên cho viên chức tại trường học được điều động về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây là những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực tốt được điều về từ các cơ sở giáo dục nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ cũng như phụ cấp ưu đãi ngành, thâm niên nhà giáo mà đúng ra họ phải được hưởng.

Quảng Ngãi, Bình Định

 

Cử tri phản ánh, hiện nay một số người làm công việc kế toán, nhân viên văn thư, giáo vụ tại các trường học có mức lương rất thấp so với giáo viên, không có phụ cấp thâm niên, cũng không có phụ cấp đứng lớp. Đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ thêm cho số đối tượng này nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Đà Nẵng

III. Sách giáo khoa

 

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính khoa học, ổn định lâu dài, tránh gây khó khăn cho người học và lãng phí xã hội.

Quảng Nam

 

Cần xem xét, cân nhắc thật kỹ vấn đề thay đổi chương trình sách giáo khoa nhằm tiết kiệm kinh phí nhà nước, tiền của nhân dân.

Trà Vinh

 

Đề nghị nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh những bất cập trong công tác quản lý, ban hành sách giáo khoa, sách tham khảo.

Bắc Ninh

IV. Vấn đề khác

 

Cử tri đề nghị sửa đổi Luật giáo dục 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục số 38/2005/QH11 cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

+ Sửa đổi khái niệm “Nhà giáo” theo hướng mở rộng đối tượng là để cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng, cấp Sở được hưởng ưu đãi nghề nghiệp, thâm niên như những Nhà giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy.

+ Điều 21 Luật Giáo dục 2005 quy định: “Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi” là không còn phù hợp. Vì, theo khuyến cáo của ngành y tế, trẻ em trong 06 tháng đầu phải được chăm sóc và bú sữa mẹ hoàn toàn, các bà mẹ cũng đã được nghỉ 06 tháng sau sinh; mặt khác, các cơ sở giáo dục mầm non không có đủ điều kiện phòng học để nhận nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ em dưới 06 tháng tuổi. Do vậy, đề nghị quy định: “giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ em từ đủ 06 tháng tuổi đến 06 tuổi”.

Hải Phòng

 

Đề nghị Bộ giáo dục và đào tạo báo cáo về việc sử dụng số học viên đã được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Được biết nhà nước đã có nhiều chương trình đưa sinh viên, học viên đi đào tạo ở nước ngoài như Đề án 165,…nhưng không rõ hiệu quả của việc sử dụng những người đã tốt nghiệp trở về để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cao Bằng

 

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ trách nhiệm về lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao (tiến sỹ, thạc sỹ) với gần 300.000 người.

Khánh Hòa

 

Cử tri bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước việc Chính phủ đồng ý cho mở nhiều trường Đại học và tình trạng đào tạo nhiều Thạc Sỹ, Tiến Sỹ như hiện nay. Cử tri đề nghị Chính phủ có những biện pháp quản lý chặt chẽ vấn đề chất lượng đào tạo trong việc cấp bằng Thạc Sỹ, Tiến Sỹ.

Phú Thọ

 

Đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ học mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi từ 120.000/tháng lên 150.000 đồng/tháng, vì mức hỗ trợ như hiện nay là thấp không bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho học sinh, trong khi việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh gặp nhiều khó khăn do đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.

Lai Châu

 

Đề nghị xem xét quy định hợp nhất văn bản về kiểm định chất lượng giáo dục và văn bản công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia thành một văn bản.

Vĩnh Long

 

Cử tri phản ánh vấn đề đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Cử tri đề nghị nên xem trọng vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức của học sinh, sinh viên đồng thời xây dựng hình ảnh một người thầy giáo chuẩn mực, gương mẫu làm tấm gương sáng cho các em học sinh.

Bình Dương

 

Cử tri đánh giá: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có đổi mới tích cực. Tuy nhiên, cử tri đề nghi Bộ, ngành chỉ đạo sát sao hơn nữa để tránh tình trạng có phòng thi rất ít thí sinh dự thi.

Hà Nam

 

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai phân cấp theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các Bộ, ngành và các Sở giáo dục và Đào tạo về tài chính, tổ chức bộ máy theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về việc Quy định trách nhiệm quản lý về giáo dục.

Nghệ An

 

Về tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 Quy định quản lý Nhà nước về giáo dục: Việc ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 Quy định quản lý Nhà nước về giáo dục nhằm  quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định tại các địa phương chưa thống nhất, mỗi tỉnh thực hiện có khác nhau. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP để có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục ở địa phương.

Quảng Ngãi

 

Theo lộ trình, năm 2018, 2019 sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương sớm có giải pháp để cơ cấu lại đội ngũ giáo viên đứng lớp, cơ sở vật chất trường, lớp, số học sinh trên lớp học để đạt tiêu chuẩn theo chương trình mới tránh khập khiễng, không đồng bộ.

Nghệ An

 

Về tiếp tục duy trì chế độ hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ: Hiện nay, chế độ hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ được thực hiện theo Quyết định số Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09/2/2010 của Thủ Tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015 và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ trong giai đoạn tiếp theo (đến năm 2020). Đồng thời, tăng số tiền hỗ trợ hàng tháng để nâng chất lượng bữa ăn trưa cho các cháu tại cơ sở giáo dục mầm non nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Quảng Ngãi

 

Vấn đề bạo lực học đường hiện nay ngày càng phổ biến, gây hoang mang cho phụ huynh học sinh và tâm lý học sinh, đề nghị ngành giáo dục cần có biện pháp ngăn ngừa vấn đề này.

An Giang

 

Sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục: Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, thực hiện.

Quảng Ngãi

 

Về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh bán trú các Trường phổ thông dân tộc bán trú.

Quảng Ngãi

 

Kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, tạo điều kiện cho các em học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và tăng khả năng thu hút trẻ dưới 5 tuổi đến trường.

Thừa Thiên Huế

 

Cử tri cho rằng để đào tạo được những học trò giỏi thì rất cần những giáo viên có nghiệp vụ sư phạm, đạo đức sư phạm tốt. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các trường sư phạm; có cơ chế tuyển cử riêng để tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm đồng thời quy định lại chuẩn kiến thức và kỹ năng đối với giáo viên từng bậc học; có kế hoạch đào tạo lại để nâng cao trình độ giáo viên với lộ trình từ 3 – 5 năm.

Hà Nội

 

Đề nghị có chính sách hỗ trợ cho các học sinh con hộ nghèo, ở bán trú không thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn, để đảm bảo cho các em có điều kiện tốt nhất học tập (Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ nêu rõ đối tượng được hỗ trợ là học sinh bán trú, ở thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền gạo và chi phí học tập). Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều trường hợp học sinh thuộc hộ nghèo, nhà xa trường không thể đi lại trong ngày, phải ở bán trú, không thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn  nhưng số học sinh này không được hỗ trợ tiền gạo và chi phí học tập.

Tuyên Quang

 

Đề nghị có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ cho các trường có học sinh bán trú ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Bình đang thực hiện chủ trương thành lập các trường bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Để  tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của con em các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu học tập, ăn ở cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

Tuyên Quang

 

Cử tri huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận phản ánh: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013  của Chính phủ Nhà nước chỉ hỗ trợ cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo. Trong khi đó, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là huyện nghèo miền núi có gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cử tri mong muốn Chính phủ nghiên cứu, xem xét hỗ trợ cho tất cả các em trên địa bàn huyện đều được hưởng chính sách này, chứ không chỉ là những em có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo.

Ninh Thuận

 

Cử tri đề nghị cần sửa đổi Luật giáo dục nhằm mang tính ổn định, không nên thay đổi thường xuyên, cần tinh gọn bộ máy quản lý ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương.

TP Hồ Chí Minh

 

Cử tri đề nghị không nên để học sinh làm bài tập trực tiếp lên sách giáo khoa để tiết kiệm cho toàn xã hội.

TP Hồ Chí Minh

 

Cử tri không đồng tình việc ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc trả lời chất vấn trước Quốc hội vụ UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh hà Tĩnh đi tiếp khách là “vui vẻ”.

Bà Rịa – Vũng Tàu

       

 

File đính kèm: