Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực Bộ Công an

Gửi bởi: Kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực Bộ Công an   

Trả lời:

STT

Nội dung

Địa phương

  1.  

Cử tri kiến nghị các Bộ, ban ngành, địa phương cần quyết liệt với các tệ nạn xã hội. Hiện nay tình trạng nghiện hút, tội phạm như trộm, cướp, trấn lột diễn ra phổ biến, đặc biệt là tội phạm mạng...vv chưa được ngăn chặn kịp thời.

Hải Dương

  1.  

Đề nghị Bộ Công an xem xét trách nhiệm trong việc để các đối tượng tham nhũng bỏ trốn, gây bất bình trong nhân dân (như vụ ông Trịnh Xuân Thanh).

Hải Dương, Quảng Nam

  1.  

Cử tri phản ánh tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn có chiều hướng gia tăng như trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, trong khi đó biên chế của lực lượng công an xã còn ít so với nhiệm vụ và địa bàn quản lý. Đề nghị Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, xem xét tăng cường nguồn lực và biên chế cho công an xã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Sóc Trăng

  1.  

Tình trạng đạo đức xã hội hiện nay đang có chiều hướng suy giảm, nhiều vụ án mạng nghiêm trọng tại một số tỉnh, thành phố liên tục xảy ra, tội phạm có xu hướng trẻ hóa…, Cử tri kiến nghị cần có giải pháp tối ưu trong việc ngăn chặn các loại tội phạm, đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội ngày càng tốt hơn.

Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh

  1.  

Hiện nay, tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng và mức độ nguy hiểm của tội phạm ngày càng cao, phần lớn các vụ án xảy ra đều có sử dụng hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ (đa phần do tự chế, đặc biệt là thuốc nổ và súng) người dân vô cùng hoang mang và lo lắng về tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp như hiện nay. Cử tri kiến nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để phòng, chống tội phạm và quản lý vật liệu nổ, vật liệu chế tạo chất nổ và súng.

Bến Tre

  1.  

Tệ nạn ma túy là vấn nạn của toàn xã hội, trước đây nó chỉ xảy ra ở các thành phố lớn nhưng hiện tại tệ nạn này len lỏi vào học đường, vùng nông thôn vốn yên bình gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng và gia đình, làm mất an ninh trật tự xã hội. Cử tri đề nghị Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác an ninh, kiểm tra, tuần tra để ngăn chặn kịp thời không để tình trạng buôn bán ma túy công khai và lộng hành như hiện nay.

Bến Tre, Vũng Tàu

  1.  

Cần tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, ngừa và xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng giết chết nhiều người đã xảy ra trong thời gian vừa qua như các thông tin đã đưa. Cử tri tỏ ra lo ngại trước tình hình an ninh trật tự, an toàn xã  hội một số nơi diễn biến phức tạp trong thời gian qua, nhất là tội phạm giết người, cướp của một cách dã man xảy ra nhiều trong khi đợt đặc xá tha tù năm 2016 lại sắp đến, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tội phạm thì tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp và xấu hơn nữa.

Thái Bình, Trà Vinh, Bình Thuận

  1.  

Đề nghị giám sát chặt chẽ việc các đối tượng cho ra tù trước thời gian, tránh tình trạng ra tù rồi tái phạm lại.

Bình Thuận

  1.  

Cử tri rất băn khoăn về vấn đề tội phạm, luật pháp nước ta tuy đủ nhưng việc thực thi chưa nghiêm hoặc chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng; tình trạng một lúc giết nhiều người ngày càng xảy ra nhiều hơn. Đề nghị cần có biện pháp mạnh, tăng hình phạt để hạn chế tình trạng nêu trên.

Bạc Liêu, Đồng Tháp

  1.  

Cử tri góp ý dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cự hỗ trợ: kiến nghị cần nghiên cứu và quy định cấm người dân mang vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nơi công cộng, góp phần hạn chế điều kiện làm phát sinh tội phạm, nhất là tội cố ý gây thương tích, tội giết người.

Cần Thơ

  1.  

Cử tri phản ảnh, vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây lo lắng trong nhân dân. Cử tri kiến nghị, ngành công an cần tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường theo dõi các thế lực thù địch, bạo loạn và nhất là khâu theo dõi, quản lý đối tượng tại địa bàn trong thời gian đến

Đà Nẵng

  1.  

Cử tri kiến nghị cần có thông tin chính thức và hướng dẫn nhân dân về các quy định thủ tục để đảm bảo việc đăng ký, sử dụng xe chính chủ nhằm tạo cách hiểu đúng và đầy đủ cho người dân trong lĩnh vực này để họ thực hiện cho tốt. Bởi, hiện nay, nhiều luồn thông tin trên báo chí với nhiều cách hiểu khác nhau đã gây hoang mang cho người dân trong việc thực hiện các quy định có liên quan đến việc sử dụng xe không chính chủ. Cử tri đề nghị Bộ Công an nên nghiên cứu lại quy định về kiểm tra xe  chính chủ và cho rằng quy định này gây khó khăn cho người dân, nhất là đối với những gia đình chỉ có một phương tiện giao thông duy nhất.

Phú Thọ, Tiền Giang

  1.  

Cử tri cho rằng: Trong khi tình hình an ninh trật tự ở các xã phức tạp, công an xã luôn phải đối diện với những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng thì chế độ lương đối với lực lượng công an xã hoạt động không chuyên trách từ phó công an xã trở xuống không vượt quá hệ số lương 1,0 là thấp. Vì vậy, việc tuyển dụng công an xã gặp nhiều khó khăn, không thu hút được những người trẻ tuổi, có chuyên môn tham gia. Cử tri đề nghị có chính sách phù hợp để phát triển lực lượng công an xã, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương, tăng phụ cấp cho Công an xã và hỗ trợ kinh phí hoạt động, chế độ phụ cấp hàng tháng cho Phó Trưởng Công an xã, Phó ban Chỉ huy Quân sự xã, Đồng thời hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Vì quy định mức phụ cấp như hiện nay là rất thấp.

Phú Thọ

  1.  

Cử tri kiến nghị trong việc ban hành các quy định hướng dẫn cần thiết để thực hiện việc mua BHYT và BHXH cho lực lượng công an viên ở cơ sở. Bởi, tại Khoản 1 Điều 19 của Pháp lệnh công an xã được Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa 12 ban hành ngày 21/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 quy định: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, đến nay đã hơn 9 năm kể từ khi Pháp lệnh này có hiệu lực, các quy định này vẫn chưa thực hiện được bởi còn thiếu các hướng dẫn chi tiết từ phía các cơ quan có thẩm quyền đã gây rất nhiều thiệt thòi cho lực lượng này, trong khi tình hình tội phạm không chỉ ở các đô thị mà ở các nông thôn cũng đang diễn biến phức tạp và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Hơn nữa, hoạt động của lực lượng công an viên hiện nay chỉ hưởng phụ cấp chứ không hưởng lương và mức này rất thấp, nên việc sớm ban hành các quy định là nhu cầu cấp thiết để khuyến khích, động viên lực lượng này yên tâm công tác, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn trong cả nước.

Tiền Giang

  1.  

Cử tri đề nghị Bộ Công an và các cơ quan chức năng hướng dẫn người cao tuổi khi làm thủ tục căn cước công dân đối với những người không có giấy khai sinh. Khi làm căn cước công dân, ngành công an đòi phải về quê xác minh ngày tháng năm sinh, đã gây khó khăn, tốn kém cho người dân khi dời nơi sinh đến địa phương khác sinh sống

Vũng Tàu

  1.  

Cử tri tiếp tục phản ánh, hiện nay tình trạng bạo lực do sử dụng các chất ma túy ngày càng gia tăng, đề nghị Bộ Công an tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy một cách quyết liệt hơn nữa; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, các lực lượng liên quan trong việc quản lý, kiểm soát sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Quảng Bình, Bình Dương

  1.  

Cử tri đề nghị xây dựng và sớm ban hành Luật Công an xã, đồng thời quan tâm biên chế cho cấp phó Công an xã và phụ cấp chế độ hoạt động của vùng đặc thù, tăng số lượng Công an thường trực từ 5 đến 7 người để đáp ứng tình hình nhiệm vụ. Luật nên có quy định rõ ràng việc tổ chức đào tạo Công an viên, kinh phí đào tạo Công an viên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này và từng bước đưa lực lượng này vào nền nếp trong tương lai. Về chế độ, chính sách đối với Công an xã, đề nghị ngang bằng như chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ được quy định trong Luật Dân quân tự vệ.

Nghệ An

  1.  

Cử tri kiến nghị Bộ Công An tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đấu tranh các loại tội phạm hình sự, ma túy; có kế hoạch phối hợp, quản lý có hiệu quả các Trung tâm cai nghiện tránh tình trạng học viên gây mất trật tự và bỏ trốn như thời gian qua.

Long An

  1.  

Hiện nay, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm ngày càng tăng, trở thành mối lo ngại trong cộng đồng. Đề nghị cần có biện pháp hỗ trợ người được đặc xá tái hòa nhập xã hội hiệu quả hơn.

Long An

  1.  

Kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành chức năng chấp thuận cho thành phố Hồ Chí Minh bố trí lực lượng công an chính quy tại địa bàn các xã, phường, thị trấn để đảm bảo công tác quản lý trật tự an toàn xã hội; quan tâm bổ sung trang thiếu bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng vũ trang khác để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời quan tâm đến các chế độ chính sách, đặc biệt là chế độ chính sách về tiền lương, về nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang để họ yên tâm công tác.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Khoản 2 Điều 32 Luật Cư trú quy định Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng. Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 07/2013/TT-BCA ngày 30/1/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BCA ngày 29/11/2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước quy định “Tờ khai không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú”. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý đăng ký gọi công dân nhập ngũ, điều động quân nhân dự bị động viên huấn luyện. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn đối với công dân nam trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, pháp lệnh dự bị động viên từ 18 đến 45 tuổi, khi di chuyển khỏi địa phương trên 10 ngày phải thông báo với địa phương nơi cư trú biết và khi làm tờ khai, hồ sơ xuất nhập cảnh, tờ khai phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Kiến nghị Bộ công an cho thành lập Trung tâm tiếp nhận và xử lý tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ đặt tại Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy trên cơ sở Trung tâm thông tin chỉ huy hiện tại của Cảnh sát PCCC. Cụ thể, đầu tư, nâng cấp Tổng đài 114 (có liên thông kết nối với các Tổng đài 113 và 115); đầu tư thiết lập kênh thông tin liên lạc vô tuyến giữa Cảnh sát PCCC với các lực lượng phối hợp trên địa bàn thành phố để thống nhất trong chỉ huy, điều hành khi xảy ra các tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Hiện nay, tình trạng phương tiện trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vục công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC Thành phố vẫn chưa đầy đủ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, chiến đấu; trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa được trang bị đáp ứng theo yêu cầu chiến đấu. Kiến nghị Chính phủ nên tăng mức chi từ ngân sách nhà nước trong việc đầu tư trang bị các phương tiện phục vụ công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ của các đơn vị làm công tác PCCC hiện nay phải đảm nhận công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: cứu nạn, cứu hộ dưới nước, trên cao, trong các công trình bị sập đổ, thiên tai, bão lũ. Nhưng lực lượng cứu nạn, cứu hộ không nằm trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lực lượng CAND được quy định tại Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29/01/1997 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và công văn số 103/X11-X33 ngày 04/01/2013. Kiến nghị Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung công việc trực tiếp cứu nạn, cứu hộ vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đề xuất xếp loại VI (do công việc nặng nhọc, khẩn trương, nguy hiểm, căng thẳng thần kinh tâm lý, tiếp xúc trực tiếp với xác chết, môi trường ô nhiễm, các công trình sập đổ,…).

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Hiện nay, theo quy định ngành (Thông tư 63 của Bộ Công an), với số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC như hiện nay thì biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu trên 200 cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC. Bên cạnh đó, khi thành lập 05 Phòng Cảnh sát PCCC ở các quận, huyện còn lại và dự kiến thành lập 20 đội chữa cháy khu vực (theo lộ trình triển khai Dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn Thành phố đến năm 2025), cũng như thành lập các đơn vị cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp thì đến năm 2020 biên chế sẽ thiếu hụt trầm trọng và sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của lực lượng trong thời gian tới. Kiến nghị Bộ Công an cho phép Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố tiêp tục tuyển dụng, bổ sung thêm biên chế.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Ngày 16/5/2011, Bộ Công an có văn bản số 1472/BCA-X11 về chủ trương thành lập các Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ngày 06/9/2016, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân – Bộ Công an có văn bản số 10321/X11-X13 về việc thành lập Phòng, Đội thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; trong đó nêu rõ chủ trương của Bộ Công an là tạm ngưng thành lập các Phòng, Đội thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trong những năm gần đây, tình cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ có xu thế gia tăng, tuy nhiên hệ thống mạng lưới các đơn vị, cơ sở của lực lượng PCCC Thành phố mặc dù được Thành phố đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn chưa đảm bảo, khoảng cách các đơn vị còn xa, bán kính bảo vệ lớn, thời gian đưa lực lượng, phương tiện đến đám cháy, nơi xảy ra tai nạn, sự cố còn dài làm hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ bị ảnh hưởng đáng kể. Kiến nghị Bộ Công an tiếp tục cho phép Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh thành lập các Phòng Cảnh sát PCCC tại các quận, huyện còn thiếu và tiếp tục xây dựng các đội chữa cháy khu vực để rút ngắn bán kính bảo vệ.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Về công tác cứu hộ, cứu nạn, hiện nay chỉ có Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 65/2013/TT-BCA ngày 26/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, cho nên việc triển khai chưa đầy đủ, rõ ràng, hiệu lực pháp luật chưa cao. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Luật, nghị định về lĩnh vực công tác này để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Cử tri lo lắng trong thời gian gần đây có nhiều vụ cháy lớn trên cả nước để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Cử tri đề nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư trực thăng chữa cháy lớn ở các thành phố đông dân cư để kịp thời chữa cháy khi có xảy ra hỏa hoạn.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, có dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh; ở khu vực nội thành mật độ dân số cao, bên cạnh những công trình dân sinh hiện đại vẫn còn tồn tại các khu dân cư tạm và nhiều cơ sở sản xuất, kho tàng có nguy cơ cháy nổ cao xen cài trong khu dân cư, phát sinh nhiều vấn đề liên quan dến công tác phòng cháy và chữa cháy mà các văn bản pháp luật, quy chuẩn về phòng cháy và chữa cháy chưa được đề cập. Kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố Hồ Chí Minh ban hành và áp dụng các quy chuẩn phòng cháy và chữa cháy địa phương trên một số lĩnh vực, đối tượng đặc thù để điều chỉnh công tác phòng cháy và chữa cháy cho phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố.

TP Hồ Chí Minh

  1.  

Cử tri phản ánh tình trạng mãi lộ, bán biển số xe đẹp đang diễn ra, đề nghị có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Vĩnh Long

  1.  

Đề nghị có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với Công an cấp huyện, trụ sở làm việc Công an phường, đồn, công an thị trấn; bổ sung trang thiết bị kỹ thuật, tăng biên chế cho lực lượng công an nhân dân để tăng cường cho công an cấp huyện; bổ sung kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện công an xã hằng năm nhằm xây dựng toàn diện công an cấp huyệnd dáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Lào Cai

File đính kèm: