5. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

24/05/2017 14:21

1. Cử tri tỉnh Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh  kiến nghị: Quốc hội sớm ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình phát triển của các tôn giáo hiện nay, chú ý đến các quy định bảo vệ các cơ sở tôn giáo có pháp nhân an tâm hành đạo và các quy định về quản lý, sử dụng tài sản của các tổ chức tôn giáo nhất là về đất đai

Trả lời: (Tại Công văn số 326/UBVHGDTTN14 ngày 16/2/2016)

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được thông qua với tỉ lệ số phiếu cao. Ngày 12/12/2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 đã được công bố.

Việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo luôn bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, về an ninh, quốc phòng, về quan hệ quốc tế; bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam; phát huy vai trò, tiềm năng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, khoản 1 Điều 3 quy định rõ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng dành 1 chương quy định về tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, trong đó Điều 56 quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Về đất cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đã được quy định cụ thể trong Luật đất đai và Điều 57 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Như vậy, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã quy định đầy đủ những nội dung mà cử tri kiến nghị.

2. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị bổ sung quy định về thu phí thẩm định hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo và quyền cho thuê địa điểm quảng cáo của người phát hành quảng cáo trong Luật quảng cáo

Trả lời: (Tại Công văn số 326/UBVHGDTTN14 ngày 16/2/2016)

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban ghi nhận kiến nghị của cử tri, đồng thời sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng thi hành Luật Quảng cáo. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban sẽ có những kiến nghị sửa đổi Luật Quảng cáo phù hợp.

3. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị ban hành Nghị quyết về thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc, đặc biệt là tuyên truyền về tình hình biển Đông, giáo dục cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta với Trung Quốc, nhất là các cuộc chiến tại Biên giới 1979, Gạc Ma 1988, việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa (nên đưa vào sách giáo khoa lịch sử để giáo dục con em chúng ta)

Trả lời: (Tại Công văn số 326/UBVHGDTTN14 ngày 16/2/2016)

Quốc hội Khóa XIII đã có Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”. Như vậy, nếu áp dụng nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019 thì các nội dung nêu trên sẽ được chú trọng và tích hợp vào các môn học phù hợp, vì vậy Quốc hội không cần phải có một Nghị quyết riêng về vấn đề này.

4. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Quốc hội giám sát việc cải cách giáo dục; vì trong mấy năm gần đây ngành giáo dục thường xuyên thực hiện việc cải cách gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên, kể cả phụ huynh học sinh, học sinh và tốn nhiều tin của xã hội cho việc cải cách giáo dục

Trả lời: (Tại Công văn số 326/UBVHGDTTN14 ngày 16/2/2016)

   Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thể hiện thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI nhằm tạo chuyển biến căn bản và đổi mới toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quốc hội luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ lộ trình đổi mới, cải cách để nền giáo dục nước ta phát triển ổn định, đúng hướng tránh gây khó khăn và tốn kém cho xã hội.

5. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Quốc hội nên giám sát việc đào tạo, dạy học của các Trung tâm đào tạo và các trường đại học, tránh tình trạng đào tạo tràn lan thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không có chất lượng dẫn đến không có việc làm sau khi ra trường

Trả lời: (Tại Công văn số 326/UBVHGDTTN14 ngày 16/2/2016)

Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao phụ trách lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn thường xuyên theo dõi giám sát hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đào tạo các trình độ sau đại học.

Qua theo dõi, giám sát, Ủy ban nhận thấy,Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở trình độ đào tạo thạc sĩ[1], một mặt góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giúp mở rộng và phát triển môi trường học thuật, nghiên cứu khoa học; đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong việc cập nhật, bổ sung và nâng cao, hiện đại hóa kiến thức chuyên ngành và liên ngành cần thiết nhằm hoàn thiện năng lực thực hiện tốt công tác chuyên môn cũng như nghiên cứu trong chuyên ngành đào tạo. 

Tuy vậy, việc đào tạo các trình độ sau đại học ở nước ta thời gian qua cũng còn nhiều bất cập. Chất lượng và hiệu quả đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu; phát triển quy mô chưa gắn với bảo đảm chất lượng dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng các trình độ đào tạo sau đại học, nhất là trình độ thạc sĩ như ý kiến cử tri đã nêu.

Trong thời gian tới đây, Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và giám sát chặt chẽ hơn nữa việc đào tạo các trình độ này; đồng thời, thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng cải tiến, sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định pháp luật liên quan theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh việc tổ chức và quản lý đào tạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết hơn nữa trong xử lý các vi phạm theo hướng: (1) Tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tương đương với một số nước trong khu vực nhằm bảo đảm có đủ nguồn lực cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường đầu tư, khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu đối với đào tạo sau đại học. (2) Quốc tế hoá đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo các chuẩn mực đã được thừa nhận: sửa đổi, bổ sung các điều kiện liên quan đến xác định chỉ tiêu tuyển sinh và  đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ theo hướng tinh hoa, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng; đổi mới việc mở ngành đào tạo, tổ chức đào tạo và cấp bằng theo hướng áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế về hàm lượng khoa học trong đào tạo và nghiên cứu ở các trình độ sau đại học; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong nước. (3) Bắt buộc thực hiện kiểm định khu vực và quốc tế các chương trình đào tạo, trước hết là đối với trình độ tiến sĩ. (4) Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm túc trong thực hiện quy định pháp luật về đào tạo các trình độ sau đại học; tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và tỷ lệ người tốt nghiệp sau đại học có việc làm của cơ sở đào tạo.

6. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị: Đề nghị xem xét, điều chỉnh tỉ lệ 20% chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương vì nguồn lực ngân sách địa phương để chi đầu tư còn hạn chế trong khi phải thực hiện đầu tư cho nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cần thiết khác

Trả lời: (Tại Công văn số 326/UBVHGDTTN14 ngày 16/2/2016)

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng việc đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã chuyển mạnh sang phát triển dựa trên hàm lượng tri thức và chất xám là chủ yếu. Đây cũng là đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta “ Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 03/2/2004 quy định  “bảo đảm đạt tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước trước năm 2010 từ 2-3 năm”. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã bố trí kinh phí đầu tư cho giáo dục đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước từ năm 2008. Từ đó tới nay, Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc tổng chi ngân sách nhà nước để đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. 

 Vì vậy địa phương cần thực hiện nghiêm việc đảm bảo 20% ngân sách cho giáo dục theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

7. Cử tri các tỉnh An Giang và Phú Thọ:  đề nghị Quốc hội giám sát việc cải cách giáo dục thường xuyên, vì trong những năm gần đây ngành giáo dục thường xuyên thực hiện cải cách tạo ra không ít  khó khăn cho người dạy và học; việc liên tục thực hiện thay đổi đã tạo ra áp lực cho phụ huynh và học sinh, gây tốn kém nguồn lực của xã hội. Đề nghị Quốc hội giám sát về vấn đề này trong thời gian tới

Trả lời: (Tại Công văn số 458/UBVHGDTTN14 ngày 14/4/2017)

   Việc cải cách giáo dục là cần thiết để bảo đảm cho hoạt động giáo dục, tránh được sự lạc hậu về nội dung chương trình và phương pháp dạy học. Hầu hết các nước cũng thực hiện việc cải cách giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về việc tạo chuyển biến căn bản và đổi mới toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, đúng như phản ánh của cử tri, dư luận xã hội cũng đang có nhiều băn khoăn về việc ngành giáo dục liên tục thực hiện thay đổi đã tạo ra áp lực cho phụ huynh và học sinh và gây tốn kém nguồn lực của xã hội. Quốc hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để tiếp tục giám sát chặt chẽ về vấn đề này trong thời gian tới.

   8. Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc thay đổi sách giáo khoa hiện nay

Trả lời: (Tại Công văn số 458/UBVHGDTTN14 ngày 14/4/2017)

Quốc hội khoá XIII đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Do vậy, Quốc hội xác định rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giám sát chặt chẽ việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai đồng bộ việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm hiệu quả. Tiếp thu ý kiến cử tri, Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với lĩnh vực này để việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

9. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức giám sát về kết quả thực hiện Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPD-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva). Hiện nay, dự án đã kết thúc, nhưng ngành giáo dục vẫn khuyến khích các địa phương tiếp tục thực hiện, nhiều cử tri có con em đang học theo chương trình này rất băn khoăn, lo lắng về chất lượng học tập của các em và điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục hiện không đáp ứng được việc tiếp tục triển khai mô hình này

Trả lời: (Tại Công văn số 458/UBVHGDTTN14 ngày 14/4/2017)

Mô hình giáo dục VNEN là sản phẩm của Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam. Trong quá trình triển khai, mô hình này có những ưu điểm: môi trường học tập dân chủ, giúp học sinh chủ động, tự tin trong học tập và giao tiếp. Xuất phát từ tính ưu việt của mô hình giáo dục mới, Bộ Giáo dục & Đào tạo khuyến khích, còn việc lựa chọn triển khai thực hiện thuộc quyền quyết định của địa phương trên cơ sở căn cứ điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn (về đội ngũ, cơ sở vật chất…); do vậy, hiệu quả còn hạn chế, để lại nhiều băn khoăn cho cử tri, nhất là cử tri có con em đang theo học mô hình này. Quốc hội tiếp thu ý kiến của cử tri, sẽ lồng ghép nội dung này vào Chương trình giám sát chung về giáo dục - đào tạo hàng năm.

10. Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri không đồng tình việc ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc trả lời chất vấn trước Quốc hội về vụ Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh điều các cô giáo đi tiếp khách là “vui vẻ”

Trả lời: (Tại Công văn số 458/UBVHGDTTN14 ngày 14/4/2017)

Ủy ban đã có Công văn số 336/UBVHGDTTN14 ngày 17 tháng 02 năm 2017 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Việc UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh điều động giáo viên đi tiếp khách là sự việc đã xảy ra tại địa phương. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu UBND thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra, báo cáo và giải trình về vụ việc này và địa phương đã có trách nhiệm trả lời trước công luận.

Ngày 14 tháng 11 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh[2] với nội dung như sau: việc điều động một số giáo viên phục vụ các sự kiện, hội nghị tại địa phương có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, làm rõ thông tin và tổ chức rút kinh nghiệm; đồng thời tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.

 Tại phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường sáng ngày 16 tháng 11 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có phát biểu[3]: “Liên quan đến việc cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh thì đây là một trong những vấn đề có thật. Tôi cũng đã có ý kiến và khi nhận được thông tin này thì tôi trao đổi với đồng chí Chủ tịch và chúng tôi cũng có công văn với trách nhiệm của Bộ, đánh giá cao đồng chí Chủ tịch kịp thời có công văn yêu cầu Chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh phải báo cáo. Bởi vì ở đây không phải chỉ là một trường hợp của thị xã Hồng Lĩnh mà trong thực tế cũng có nhiều nơi mà cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo”.

Từ “vui vẻ” ở đây không phải là điều các cô gái đi tiếp khách là “vui vẻ” như ý kiến phản ánh của cử tri. Bộ trưởng muốn nhấn mạnh các địa phương điều động giáo viên đến phục vụ một số sự kiện vui nhưng lại không phù hợp, làm ảnh hưởng đến thời gian và uy tín của nhà giáo.


[1] Năm học 2014-2015, tổng quy mô đào tạo sau đại học của cả nước là 102.701 người, tăng gấp 6,74 lần so với năm học 2000-2001 và gấp 1,52 so với năm học 2010-2011; trong đó, nghiên cứu sinh là 10.352 người, tăng 4,01 lần so với năm học 2000-2001 và gấp hơn 2,2 lần năm học 2010-2011; học viên cao học là 92.349 người, tăng 7,3 lần so với năm học 2000-2001 và gấp 1,47 lần so với năm học 2010-2011.

[2] Công văn số 5579/BGDĐT-VP.

[3] Băng ghi âm sáng ngày 16 tháng 11 năm 2016 do Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội gửi.

Ban Dân nguyện