3. Ban Công tác đại biểu

24/05/2017 14:19

Ban Công tác đại biểu

 

1. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, công tác hiệp thương giới thiệu lựa chọn nhân sự ứng cử ĐBQH khóa XIV vừa qua chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có 02 ứng cử viên đã trúng cử nhưng do có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên không được công nhận tư cách đại biểu. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình lựa chọn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan để xảy ra sai sót trong công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIV.

Cử tri tỉnh Thái Bình  kiến nghị: Cử tri đề nghị khi giới thiệu người ra ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm đặc biệt vào những vị trí quan trọng trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước, của hệ thống chính trị nước ta cần chú trọng, quan tâm hơn nữa để lựa chọn được người có đủ đức, đủ tài, đủ uy tín, hạn chế những sai sót như vừa qua gây mất lòng tin của nhân dân.

Cử tri tỉnh Long An, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hải Dương, Thái Bình kiến nghị: Về công tác cán bộ, nhiều ý kiến cử tri đề nghị làm rõ, tại sao việc chuẩn bị nhân sự để bầu đại biểu Quốc hội rất chặt chẽ sao vẫn lọt những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trúng cử. Cử tri đề nghị xem xét, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và tiếp tục rà soát để tránh những trường hợp giữa khoá phải bãi nhiệm như ở Quốc hội khoá XIII.

Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri đề nghị các ĐBQH cần công khai chương trình hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết và qua đó đánh giá, giám sát hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử.

Trả lời: (Tại Công văn số 53/BCTĐB-CTĐB  ngày 9/2/2017)

Trong công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu, việc các cơ quan, tổ chức lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất giới thiệu người ứng cử căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Song, trong cuộc bầu cử vừa qua có hai ứng cử viên (bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh) sau ngày bầu cử, các cơ quan chức năng kết luận có vi phạm về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Sự việc cho thấy còn một vài lỗ hổng trong pháp luật về bầu cử như: tiêu chí khai hồ sơ ứng cử và trong công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử chưa đảm bảo thật sự chặt chẽ, nên đã xảy ra sai xót như cử tri đã nêu.

Ban Công tác đại biểu xin ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bầu cử về việc khai thông tin cá nhân trong hồ sơ ứng cử; về quy trình lựa chọn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đồng thời, có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan có liên quan khi để xảy ra sai sót trong công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất những cách thức phù hợp giúp lựa chọn được người đủ đức, đủ tài, đủ uy tín, hạn chế để xảy ra những sai sót như vừa qua.

Về đề nghị công khai chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH, vừa qua, trong quá trình vận động bầu cử, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đều có đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia (tại địa chỉ http://hoidongbaucu.quochoi.vn) hoặc Trang thông tin điện tử của Ủy ban bầu cử mỗi địa phương. Ngoài ra, nhiều địa phương còn dành thời lượng thỏa đáng để các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình trên hệ thống truyền thông, đài, báo, truyền hình địa phương. Ban Công tác đại biểu xin thông tin để cử tri được rõ.

2.  Cử tri thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Có ý kiến cử tri cho rằng, còn quá nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nên tình trạng vắng họp nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng nâng cao hơn nữa tỷ lệ ĐBQH chuyên trách.

Trả lời: (Tại Công văn số 53/BCTĐB-CTĐB  ngày 9/2/2017)

Các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách đều đã được tăng lên: khóa XI: 25%, khóa XII: 29,41%, khóa XIII: 31% và đến nay khóa XIV là 34,48% so với tổng số ĐBQH. Việc tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách đã giúp Quốc hội giải quyết được một khối lượng lớn công việc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ĐBQH kiêm nhiệm là những người nhiều kinh nghiệm thực tiễn, gần gũi nhất với cử tri, hằng ngày trực tiếp nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Do đó, việc duy trì tỉ lệ hợp lý các ĐBQH kiêm nhiệm là cần thiết.

Song, như cử tri đã nêu, có tình trạng một số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm là lãnh đạo tại các cơ quan Trung ương hoặc địa phương nên có lúc lịch công tác tại cơ quan, địa phương trùng với lịch họp Quốc hội nên vắng mặt trong một số phiên họp toàn thể của Quốc hội. Ban Công tác đại biểu xin ghi nhận ý kiến của cử tri, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất phương án tăng hợp lý tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

3.  Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội cần xem lại tư cách đại biểu đối với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh trong việc ký giao đất 70 năm cho công ty Formosa Hà Tĩnh là sai thẩm quyền.

Trả lời: (Tại Công văn số 53/BCTĐB-CTĐB  ngày 9/2/2017)

   Ban Công tác đại biểu xin ghi nhận ý kiến của cử tri, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập thêm thông tin, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội khi có đủ điều kiện. Việc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội sẽ được theo đúng các quy định của pháp luật.

4.  Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Cử tri đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có hướng dẫn về trách nhiệm làm thư ký kỳ họp thứ 2 và các kỳ tiếp theo của Hội đồng nhân dân cấp xã (Vì Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 ngày 03/6/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ hướng dẫn Thư ký của kỳ họp thứ nhất).

Trả lời: (Tại Công văn số 53/BCTĐB-CTĐB  ngày 9/2/2017)

Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định về công tác thư ký Hội đồng nhân dân cấp xã. Ngày 03/6/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành văn bản Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 về Một số nội dung của kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 trong đó có nội dung quy định về công tác Thư ký kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, các kỳ họp tiếp theo, công tác thư ký kỳ họp vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13.

5. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về việc khen thưởng, tặng kỷ niệm chương đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tham gia từ 02 đến 03 nhiệm kỳ liên tục trở lên để động viên, khuyến khích các đại biểu.

Cử tri Thái Nguyên, Vĩnh Phúc kiến nghị: Theo Điều 71 của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định “Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày”. Theo quy định này, tất cả các đơn vị chỉ được mở hòm phiếu sau 19h. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, ở nhiều đơn vị bầu cử đã đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu từ rất sớm. Theo quy định của luật thì các thành viên tổ bầu cử phải chờ đợi rất lâu mới được mở hòm phiếu. Việc chờ đợi dễ gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi cho các thành viên tổ bầu cử, việc kiểm phiếu cũng phải tiến hành muộn hơn, dễ dẫn đến nhầm lẫn trong công tác kiểm phiếu. Do đó, cử tri kiến nghị với Quốc hội nên sửa Điều 71 của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 theo hướng: Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày. Đối với các đơn vị đã có 100% cử tri đi bầu, được phép mở hòm phiếu và có thêm hòm phiếu phụ. Các đơn vị bầu cử nào hoàn thành 100% tỷ lệ cử tri đi bầu cử thì tiến hành kiểm phiếu, không nhất thiết phải chờ đến 17h00 mới kiểm phiếu như hiện nay.

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015: Cử tri đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội dung quy định về tỷ lệ tự ứng cử trong số đại biểu được bầu ĐBQH và đại biểu HĐND.

Cử tri tỉnh Tây Ninh, Gia Lai, Hà Tĩnh kiến nghị: Tại điểm d, khoản 2 Điều 69 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có quy định về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân “…Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định của quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân”. Trong khi Nghị quyết 753/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 về việc ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã hết hiệu lực. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có văn bản hướng dẫn quy định Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân”.

Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri kiến nghị Trung ương nên xem xét, bố trí thời gian Đại hội Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong một thời điểm gần nhau, tránh lãng phí khi bầu các chức danh lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới trong một thời gian ngắn (chỉ có hơn 3 tháng).

Trả lời: (Tại Công văn số 53/BCTĐB-CTĐB  ngày 9/2/2017)

Đối với các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực pháp luật về bầu cử, Ban Công tác đại biểu xin được tiếp thu, tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu, báo cáo, đề xuất sửa đổi với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đối với các kiến nghị liên quan đến Luật Thi đua khen thưởng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ban Công tác đại biểu xin được ghi nhận để nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng trong quá trình sửa đổi các luật liên quan.

6. Cử tri các tỉnh An Giang, Bình Thuận kiến nghị: Cử tri bức xúc về công tác cán bộ, đề nghị làm rõ tại sao việc chuẩn bị nhân sự bầu đại biểu Quốc hội rất chặt chẽ, nhưng vẫn lọt trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trúng cử. Đề nghị xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XI”.

- Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát về công tác tổ chức, vì sao đại biểu Quốc hội đã qua 2 nhiệm kỳ mới phát hiện lý lịch không rõ ràng.

- Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Cử tri kiến nghị Quốc hội cần ban hành các quy định và thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh trong việc kiểm tra tư cách ứng viên đại biểu Quốc hội, tránh tình trạng ứng viên được bầu trúng cử nhưng lại không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội như tại lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV vừa rồi đối với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Trả lời: (Tại Công văn số 190 /BCTĐB-CTĐB ngày 17/4/2017)

Trong công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu, việc các cơ quan, tổ chức lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất giới thiệu để ứng cử là căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV (ngày 22/5/2016) vừa qua, có trường hợp hai ứng cử viên (bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh) đã trúng cử nhưng không được Hội đồng bầu cử quốc gia công nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Đây là một trong 31 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu. Việc Hội đồng bầu cử quốc gia đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi đã trúng cử không phải như cử tri nêu là "qua 2 nhiệm kỳ mới phát hiện lý lịch không rõ ràng", mà do tháng 6 năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quyết định công nhận quốc tịch Malta. Xét thấy như vậy là không đúng với quy định Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam và theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã có đơn xin rút khỏi danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử quốc gia, sau khi xem xét, Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyệt Hường.  

Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là ứng cử viên ĐBQH do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang giới thiệu. Khi nhận được đơn thư phản ánh của công dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kiểm tra, rà soát và làm rõ các sai phạm trong quá trình khai hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIV của ông Thanh. Tại phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử quốc gia, sau khi xem xét, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Sau sự việc này, các cơ quan ở trung ương (Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ) cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền ở tỉnh Hậu Giang đã nghiêm túc kiểm điểm, tiến hành rà soát mọi quy trình công tác cán bộ cả ở trung ương và địa phương, nhất là trong việc bổ nhiệm, khen thưởng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Những cán bộ có liên quan đến vụ việc (ở trung ương và địa phương) đều đã bị xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật.

Ban Công tác đại biểu xin thông tin lại để cử tri rõ hơn về những vấn đề liên quan đến sự việc xảy ra. Ban Công tác đại biểu cũng xin ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri, để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra tư cách ứng cử viên ngay từ khâu giới thiệu ứng cử nhằm hạn chế tối đa xảy ra các trường hợp tương tự ở nhiệm kỳ sau.

7. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội cần lựa chọn, tăng số lượng ĐBQH chuyên trách để nâng cao tính chuyên nghiệp và dành thời gian cho việc làm luật trong thời gian tới một cách chuyên nghiệp hơn, giám sát để nghe người dân phản ảnh tâm tư, nguyện vọng đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Trả lời: (Tại Công văn số 190 /BCTĐB-CTĐB ngày 17/4/2017)

Về vấn đề này, Ban Công tác đại biểu có ý kiến như sau: Các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách đều đã được tăng lên: khóa XI: 25%, khóa XII: 29,41%, khóa XIII: 31% và đến nay khóa XIV là 34,48% tổng số ĐBQH. Việc tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách đã giúp Quốc hội giải quyết được một khối lượng lớn công việc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ban Công tác đại biểu xin ghi nhận ý kiến của cử tri, tiếp tục nghiên cứu để vừa tăng hợp lý tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, vừa đảm bảo tỉ lệ hợp lý các ĐBQH kiêm nhiệm vì ĐBQH kiêm nhiệm là những người nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có cuộc sống sinh hoạt hằng ngày gần gũi với cử tri, có thể trực tiếp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

8. Cử tri tỉnh Tiền Giang, Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc có hướng dẫn về việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp phường, xã để tạo thuận lợi HĐND cơ sở trong tổ chức hoạt động. Bởi, tại Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 ngày 3/6/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn một số nội dung tại kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 không hướng dẫn nội dung này. Do đó, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND phường, xã còn lúng túng trong tổ chức hoạt động của tổ đại biểu.

- Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để có căn cứ tổ chức thực hiện ().

- Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của thành viên Thường trực HĐND, nhiệm vụ của đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cũng như chế độ và các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND.

Trả lời: (Tại Công văn số 190 /BCTĐB-CTĐB ngày 17/4/2017)

Đối với việc thành lập Tổ đại biểu: Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua năm 2015 không quy định về việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã. Như vậy, HĐND cấp xã không có Tổ đại biểu HĐND.

Về việc hướng dẫn thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Ngày 11/01/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 ban hành Quy chế về việc “Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”. Theo đó, nhiều quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được cụ thể hóa hơn. Quy chế đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội... Quy chế có hiệu lực từ 01/3/2017.

Về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của thành viên Thường trực HĐND và nhiệm vụ của đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách: được thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và do Thường trực HĐND quyết định phân công đối với từng thành viên (nếu có).

Về chế độ và các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND: Thực hiện theo Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Trong đó giao Chính phủ quy định về mức chi đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoạt động chuyên trách về việc bảo đảm chỗ làm việc, trang thiết bị văn phòng.

9. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri cho rằng thời gian vừa qua, một số trường hợp tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp (đã qua hiệp thương) có trình độ văn hóa 9/12 gây bức xúc trong dư luận. Đề nghị trong đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 quan tâm hơn đến trình độ của đại biểu dân cử.

Trả lời: (Tại Công văn số 190 /BCTĐB-CTĐB ngày 17/4/2017)

Ban Công tác đại biểu xin có ý kiến như sau: Đại biểu HĐND cũng như đại biểu Quốc hội, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, do đó, trong số các đại biểu phải tính đến cơ cấu đảm bảo tính đại diện cho đa số nhân dân thuộc các tầng lớp, các giới, ngành nghề trong xã hội, các dân tộc... Do đó, cần đảm bảo hài hòa giữa tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu (lấy tiêu chuẩn là chính) có tính đến đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.

Ban Công tác đại biểu cũng xin tiếp thu ý kiến của cử tri để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu, đảm bảo hài hòa hơn nữa giữa chất lượng và cơ cấu. Hoặc sau khi trúng cử đại biểu, cần tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đại biểu để đáp ứng yêu cầu công việc.

 

 

Ban Dân Nguyện