3. Ủy ban Pháp luật

07/10/2016 19:59

3.  ỦY BAN PHÁP LUẬT

 

          Tại Công văn số 3786/UBPL13 ngày 23/6/2016 của Ủy ban Pháp luật về việc trả lời kiến nghị cử tri:

          1. Cử tri TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, các tỉnh Bình Định, An Giang, Vĩnh Long, Gia Lai, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An kiến nghị: Cử tri đánh giá cao công tác làm luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua, đã thông qua được nhiều luật quan trọng, trong đó có việc thông qua Hiến pháp năm 2013. Song qua thời gian ngắn thực hiện, nhiều luật bộc lộ, bất cập, hạn chế nên phải sửa đổi, bổ sung. Cá biệt có trường hợp Luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, hoặc kiến nghị đưa vào chương trình xem xét sửa đổi. Đề nghị Quốc hội chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng các luật để bảo đảm tính ổn định lâu dài trong đời sống xã hội; cần đánh giá tác động của các phương án đảm bảo về nguồn nhân lực, tài chính một cách đầy đủ và chính xác để tổ chức triển khai thực hiện luật trong thực tế bảo đảm tính khả thi và có hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị Quốc hội nhanh chóng chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp có kế hoạch, khẩn trương tổ chức thực hiện các luật, bộ luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống.

          Trả lời:

          Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới, cải tiến quy trình lập pháp nhằm nâng cao công tác lập pháp. Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu tổ chức tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, tổ chức hội thảo, tọa đàm, khảo sát để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến Nhân dân nhằm nâng cao chất lượng của dự án luật, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội; cụ thể hóa tối đa các quy định, hạn chế việc giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã giành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến về các dự án luật; đồng thời cũng đã tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh cả về chất lượng và tiến độ để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

          Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015), Quốc hội đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều nội dung mới, trong đó đã bổ sung quy trình phân tích, quyết định chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hơn về việc lấy ý kiến để tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân và Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách thực chất, hiệu quả hơn.

          Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012), Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều nội dung để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa các văn bản pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

          2. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Quốc hội nghiên cứu không giao Chính phủ soạn thảo Luật, vì Chính phủ cũng giao lại cho cơ quan chuyên môn nên các dự án Luật ít nhiều cũng dành phần lợi cho cơ quan soạn thảo... nên có đặt hàng cho các tổ chức, chuyên gia xây dựng đúng quy trình để Quốc hội xem xét, thông qua.

          Trả lời:

          Để tránh hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có những quy định về việc thành lập Ban soạn thảo liên ngành, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan và những đối tượng chịu sự tác động của văn bản; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý và xem xét, thông qua dự án luật. Hơn nữa Luật quy định rõ sau khi dự án luật được trình ra Quốc hội cho ý kiến, thì các cơ quan của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua. Các quy định này của pháp luật khắc phục được những băn khoăn của cử tri về sự thiếu khách quan, tính cục bộ, lợi ích nhóm của các bộ, ngành hữu quan trực tiếp soạn thảo các dự án luật .

          3. Cử tri TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật biểu tình vì đây là một đạo luật quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

          Trả lời:

Dự án Luật biểu tình đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo đó, dự án Luật biểu tình dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII (tháng 3/2016). Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, cần có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên Quốc hội đã đồng ý với Chính phủ lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2017).

          4. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị: Đề nghị Quốc hội bổ sung xây dựng Luật quy hoạch chung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIV.

          Trả lời:

          Dự án Luật quy hoạch đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo đó, dự án Luật quy hoạch  sẽ trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2017).

Ban Dân nguyện