ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HỘI ĐỒNG NHÂ DÂN TỈNH HÀ TĨNH

10/08/2017

Sáng 8/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Tĩnh, Đoàn giám sát của UBTVQH (Đoàn công tác số 2) về việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có cuộc làm việc với HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác số 2 Nguyễn Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Bộ Tài Chính; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải; Phó Chủ tịch UBND Đặng Quốc Vinh; đại diện thường trực HĐND 3 huyện, thành phố và đại diện các sở, ngành của tỉnh Hà Tĩnh.   

Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Qua giám sát, cho thấy nhiệm kỳ 2011-2016 HĐND tỉnh gồm có 55 đại biểu, trong đó có 9 đại biểu hoạt động chuyên trách chiếm 16,4% Trưởng các Ban hoạt động chuyên trách, đây cũng là điểm thuận lợi để Thường trực HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chung. Từ đầu nhiệm kỳ HĐND tỉnh đã ban hành 44 nghị quyết, các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định của pháp luật, có tính khả thi cao. Cùng với ban hành nghị quyết, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND cũng dược tiếp tục đổi mới, cải tiến theo hướng đối thoại dân chủ, thẳng thắn, chất vấn theo nhóm vấn đề, theo lĩnh vực, chất vấn đến cùng. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giả quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được Thường trực HĐND quan tâm chỉ đạo tổ chức, thực hiện đạt kết quả. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND- UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, qua thời gian một năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND còn có những vướng mắc như: Nội dung họp Thường trực HĐND, trình tự thủ tục, hình thức ban hành văn bản phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND; thời gian tiến hành họp thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp; thời gian tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND tỉnh; chưa hướng dẫn thực hiện về cách thức, quy trình, hình thức giám sát của Tổ đại biểu HĐND, chưa quy định rõ chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát…

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nhân dân, HĐND Hà Tĩnh đề nghị UBTVQH sớm nghiên cứu, ban hành Quy chế hoạt động của HĐND; quy định về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với Trưởng ban, Phó Trưởng ban HĐND cấp xã. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn chi tiết về tổ chức, hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động có hiệu quả…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn công tác Nguyễn Tuấn Anh đánh giá báo cáo của HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã được chuẩn bị nghiêm túc, bám sát đề cương của Đoàn giám sát. Các hoạt động của HĐND trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo thực hiện theo phương châm mỗi đại biểu HĐND tỉnh là những người “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tập thể HĐND tỉnh “trách nhiệm, đổi mới, vì dân” thực sự là cầu nối giữa Đảng chính quyền với nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trong báo cáo cũng cần bổ sung thêm: Các ưu điểm, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND địa phương; nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan và những vướng mắc trong việc chưa thực hiện được hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Đồng thời  tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của HĐND tỉnh liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành văn bản QPPL… để có kiến nghị phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND. 

Ban Công tác đại biểu