GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ VẤN ĐỀ ĐỒNG BỘ HOÁ GIỮA CÁC LUẬT

24/02/2020

Đại biểu Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Để hỗ trợ các trường Đại học công lập thực hiện tự chủ hiệu quả cũng như mở rộng nhiều hơn nữa các trường được tự chủ toàn diện thì rất cần sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) với các luật khác.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Một trong những nội dung được đề cập trong Luật là vấn đề thực hiện giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học (ĐH). Đây là một bước đệm rất quan trọng, giúp các trường tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện phát triển giáo dục ĐH.

Trước đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29, trong đó đặt ra mục tiêu “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Đặc biệt, cuối tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017. Theo đó, các trường ĐH công lập sẽ được tự chủ một cách toàn diện về chỉ tiêu tuyển sinh, tài chính, quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội về nguồn nhân lực đào tạo ra. Việc thí điểm này như là một bước đột phá để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi cho Ngân sách Nhà nước.

Nhiều trường ĐH công lập đã tạo được dấu ấn khi tự chủ

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI và 6 năm thực hiện Nghị quyết số 77 của Chính phủ, thực tế cho thấy, tự chủ ĐH đã trở thành một nhu cầu tự thân, một xu thế tất yếu và có tính khách quan. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.


Nhờ thực hiện tự chủ toàn diện, nhiều trường đại học đã có cơ hội nâng cao đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội (ảnh minh họa).

Trên cơ sở triển khai hiệu quả, quyết liệt đổi mới giáo dục ĐH theo tinh thần Nghị quyết 29, có thể thấy, tự chủ ĐH thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức cũng có những chuyển biến tích cực. Số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các cơ sở GDDH được cải thiện đáng kể. Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định cũng ngày càng được chú trọng quan tâm.

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho các trường ĐH công lập giai đoạn 2014-2017 ban đầu được thực hiện đối với 4 trường: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Hà Nội. Qua quá trình thí điểm cho thấy, chất lượng đào tạo của những trường này không ngừng được nâng cao, kinh phí hoạt động giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước và đi đến tự cân đối và có tích lũy cho phát triển.

Với mô hình hoạt động hiệu quả, đến nay đã có 23 trường ĐH công lập trên cả nước thực hiện tự chủ trên nhiều mặt: đào tạo, tài chính, nhân lực, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế...


Trường Đại học Ngoại thương là một trong những cơ sở đào tạo đại học đầu tiên của cả nước thực hiện tự chủ toàn diện. 

Trường ĐH Ngoại thương là một trong những trường ĐH tiên phong thực hiện thí điểm tự chủ từ năm 2005. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 751 cho phép nhà trường được thực hiện đề án thí điểm tự chủ toàn diện trên cơ sở Nghị quyết số 77 của Chính phủ. Như vậy, quá trình tự chủ của Trường ĐH Ngoại thương đã được 15 năm và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2005 – 2015 với việc thực hiện lộ trình cắt giảm dần kinh phí chi thường xuyên và thực hiện thí điểm tự chủ trên một số mặt hoạt động. Giai đoạn 2 là từ năm 2015 đến nay, nhà trường thực hiện đề án thí điểm tự chủ toàn diện theo Quyết định 751 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng và thực hiện Đề án tự chủ với các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, bước đi rõ ràng và cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm học. Để thực hiện tự chủ, việc quan trọng đối với nhà trường là thay đổi nhận thức của cán bộ giảng viên, sinh viên, tạo được sự đồng thuận trong nội bộ nhà trường.

Quá trình 15 năm thực hiện thí điểm tự chủ của Trường ĐH Ngoại thương cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, của cán bộ giảng viên nhà trường, sự chia sẻ và phối hợp hành động của sinh viên cho đến nay, nhà trường đã thực hiện thành công Đề án thí điểm tự chủ toàn diện, thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Đề án. Nhà trường phát triển ổn định, bền vững; chất lượng đào tạo được nâng cao; các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường.


Trường Đại học Ngoại thương đã tiên phong trong xây dựng môi trường quốc tế về học tập, nghiên cứu; phát triển nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ở trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương đã đi tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế, xây dựng môi trường quốc tế trong học tập và nghiên cứu, phát triển nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và tổ chức nghề nghiệp quốc tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được phát triển mạnh. Môi trường làm việc, đời sống của cán bộ viên chức và người lao động luôn được cải thiện; nhà trường không chỉ bù đắp được chi thường xuyên, chi phí đầu tư mà còn có tích lũy cho sự phát triển của nhà trường.

Với việc tăng học phí theo lộ trình, nhà trường đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên, xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên, quỹ hỗ trợ tín dụng cho sinh viên một mặt đảm bảo cho sinh viên, học viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập tại trường, mặt khác khuyến khích các phong trào rèn luyện, học tập của các sinh viên. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển cho phù hợp hơn với bối cảnh mới, cũng như đưa ra được những đột phá để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.


Cơ sở vật chất của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được đánh giá là hiện đại trong hệ thống giáo dục và ngang với nhiều cơ sở giáo dục đại học ở trên thế giới khi thực hiện tự chủ.

Là một trong 23 trường ĐH công lập đầu tiên thực hiện tự chủ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã trải qua việc tự chủ một phần về tài chính, sau đó thực hiện tự chủ toàn diện về tất cả các lĩnh vực: tuyển sinh, nhân sự, học thuật...

Chính nhờ được tự chủ nên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đạt được nhiều thành công. Hiện nay, nhà trường không sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng thu nhập, đời sống của cán bộ, giảng viên của trường được tăng lên. Cơ sở vật chất của trường được đánh giá là hiện đại trong hệ thống giáo dục và ngang với nhiều cơ sở giáo dục ĐH ở trên thế giới. Chính sách ưu đãi cho người học được nâng cao.

Về mặt học thuật, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã xây dựng được ngành đào tạo có uy tín và phù hợp với sở thích của người học, nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Ngoài ra, khi thực hiện tự chủ, bộ máy quản lý, hành chính của nhà trường đã tinh gọn hơn. Mỗi người làm việc đều nâng cao tinh thần trách nhiệm để làm thế nào mang hiệu quả công việc, chất lượng đào tạo và được xã hội tin cậy nhiều nhất cho nhà trường.

Vẫn còn vướng mắc trong đồng bộ hóa giữa các loại luật

Khi mới đầu thực hiện tự chủ, nhiều trường ĐH công lập e ngại việc giảm được cấp kinh phí hay không được cung cấp ngân sách từ Nhà nước thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, trên thực tế, sau khi được tự chủ, nhiều trường cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và là xu thế tất yếu của thế giới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.


Ông Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương.

Phải khẳng định rằng, qua quá trình thí điểm tự chủ cho đến nay, các trường ĐH công lập vẫn còn gặp phải những vướng mắc về quản lý, sử dụng tài sản công nên rất khó phát huy hiệu quả nguồn lực này.

Theo ông Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, giai đoạn khó khăn nhất để các trường ĐH tự chủ là thời gian đầu khi triển khai thí điểm cơ chế, mô hình tự chủ. Cho đến nay, những nội dung liên quan đến tự chủ ĐH đã được tổng kết, đánh giá và đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các trường thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các trường ĐH vẫn còn gặp một số khó khăn cần tiếp tục vượt qua. Cụ thể, mặc dù Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi) nhưng giữa những luật này với hệ thống các luật khác nhìn chung vẫn chưa có sự đồng bộ.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, để một trường ĐH công lập tự chủ hiệu quả thì không chỉ thực hiện Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức, Viên chức...

Do vậy, khi thực hiện Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) thì cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật. Ngoài ra, việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập Hội đồng trường; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường ĐH; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Hoàng Văn Cường- đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng: Luật Đầu tư công trước đây đã hạn chế các trường sử dụng nguồn lực. Nhiều trường ĐH công lập tự chủ có kinh phí muốn sử dụng, đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất là tài sản công một cách hiệu quả hơn cũng không thể thực hiện được mà còn phải phụ thuộc vào nhiều cơ quan, ban ngành và quy trình xét duyệt. 


Ông Hoàng Văn Cường- đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Vướng mắc nữa cũng liên quan đến việc sử dụng nguồn nhân lực. Mặc dù hiện nay, nhiều trường được tự chủ nhưng vẫn nằm trong nhóm khu vực hành chính sự nghiệp và đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn thuộc công chức, viên chức. Tuy nhiên, theo Luật Viên chức có rất nhiều quy định ràng buộc khiến cho các trường ĐH công lập muốn tự chủ gặp khó khăn trong tuyển dụng người giỏi, đào thải một cán bộ yếu kém.

Thêm nữa, việc điều hành nhà trường giữa Ban Giám hiệu và Hội đồng trường chưa được quy định rõ ràng. Ông Hoàng Văn Cường hy vọng rằng, sau khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), vai trò của Hội đồng trường sẽ được phát huy hiệu quả hơn để có thể quyết định được những vấn đề hệ trọng, phù hợp nhất cho sự phát triển của trường.

Học phí tăng là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo

Việc tự chủ tài chính và để nâng cao chất lượng khiến các trường ĐH phải nâng mức học phí. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều phụ huynh, sinh viên lo lắng và thậm chí gặp phản ứng từ dư luận xã hội. Đây là một cản trở về mặt tâm lý đối với các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Mục tiêu để các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ là nhằm tạo ra dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người học. Để thực hiện việc này, các trường ĐH công lập phải tạo ra được nguồn đầu tư thỏa đáng so với các chi phí để có được dịch vụ đào tạo chất lượng cao đó. Vì vậy, các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ phải tăng mức học phí. Tuy nhiên, tâm lý của xã hội, phụ huynh và sinh viên vẫn cứ nghĩ là học phí của các trường ĐH công lập vẫn được bao cấp.

Để khắc phục trở ngại này, theo ông Hoàng Văn Cường, chúng ta phải để cho xã hội nhận thức được điều quan trọng của người học đến với trường một trường ĐH chất lượng là được trang bị kiến thức, kỹ năng tốt để có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, về phía trường ĐH phải công khai, minh bạch tăng mức học phí để thực hiện những việc gì. Còn những sinh viên nghèo học giỏi, không có khả năng đóng học phí cao thì nhà trường có thể cung cấp nguồn học bổng để hỗ trợ sinh viên.

Ông Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nêu quan điểm, khi thực hiện tự chủ toàn diện ĐH thì việc tăng học phí của các trường công lập để bù đắp chi phí đào tạo là một trong những nội dung quan trọng. Tuy nhiên, việc tăng học phí phải tính toán dựa trên chi phí đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng, khả năng đáp ứng của người học, các quy định hiện hành.... Học phí là một trong những yếu tố rất quan trong trong việc thu hút người học. Các trường cần phải lộ trình cụ thể trong việc tăng học phí, thông báo công khai cho người học và xã hội. Mức tăng học phí, lộ trình tăng học phí cần đảm bảo sự công khai, minh bạch để sinh viên, phụ huynh và xã hội biết rõ và có sự giám sát.


Ông Đinh Thanh Tâm- Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc.

Việc tự chủ ĐH công lập là một xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực, giảm ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc có nên mở rộng tự chủ ĐH tới nhiều trường cũng là vấn đề cần phải xem xét thêm.

Ông Đinh Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc, cho rằng: Hiện nay, ĐH Tây Bắc có đến 80% sinh viên là con em dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân chưa cao nên việc nâng mức học phí chưa thể thực hiện được.

Ở Việt Nam đã có 23 trường ĐH thực hiện tự chủ về nhiều mặt nên quyền của hiệu trưởng các trường ĐH tương đối lớn. Việc tự chủ ĐH là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề mở rộng tự chủ ĐH về tài chính cần phải xem xét bởi các trường công lập phải có nguồn thu từ nguồn học phí của sinh viên.

Ở các tỉnh, thành phố lớn, đời sống của nhiều gia đình sinh viên tương đối thuận lợi để đóng học phí cao nên các trường ĐH tại những nơi này dễ thực hiện tự chủ về tài chính. Còn ở những địa phương khó khăn như địa bàn tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ..., cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể mở rộng tự chủ tài chính ở các trường ĐH công lập được. Những trường ĐH công lập ở những nơi này vẫn cần sự hỗ trợ ngân sách từ phía Nhà nước cho hoạt động đào tạo và chi trả thường xuyên.

Theo ông Đinh Thanh Tâm, việc mở rộng các trường ĐH công lập tự chủ tài chính phải có lộ trình. Ngoài ra, khi thực hiện tự chủ toàn diện, các trường cũng gặp phải khó khăn là sử dụng tài sản công như mở rộng quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nhưng lại đang rất khó thực hiện vì vướng vào Luật Đầu tư công. Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 151 và các trường phải làm đề án để triển khai quản lý, sử dụng tài sản cho phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua chương trình mục tiêu về kinh tế-xã hội ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, khi thực hiện tự chủ ĐH, các trường cũng nghĩ tới bảo đảm chính sách hỗ trợ học phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi còn khó khăn.

Về phía các trường ĐH công lập khi thực hiện tăng học phí cần có lộ trình phù hợp với sự thích ứng của người dân, của xã hội và sinh viên. Ngoài ra, các trường cũng phải tính đến yếu tố cạnh tranh về chất lượng đào tạo, mức học phí với nhau nên người dân cũng không nên quá lo lắng là cơ sở giáo dục ĐH tăng học phí một cách đột ngột, không phù hợp với sức chịu đựng của người dân.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, nhà trường cần có sự tuyên truyền để người dân, sinh viên hiểu được vấn đề tự chủ của các trường ĐH công lập và quen dần với việc các trường điều chỉnh mức tăng học phí một cách phù hợp.


Sinh viên Vũ Hải Yến- Trường ĐH Ngoại thương.

Đứng ở góc độ là người học chịu tác động của việc tự chủ khi nhà trường tăng học phí, sinh viên Vũ Hải Yến- Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, việc tự chủ ĐH là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Điều này cũng khiến sinh viên đối diện với mức tăng học phí. Tuy nhiên, khi tăng học phí thì chất lượng đào tạo phải tương xứng với số tiền mà sinh viên phải đóng. Việc tăng học phí phải có lộ trình rõ ràng, công khai và nhận được đồng thuận của người học cũng như sự giám sát về chất lượng đào tạo của xã hội. Để giúp sinh viên nghèo có thể được học tập tại những trường chất lượng khi mà học phí tăng thì các trường nên mở rộng quỹ tín dụng cho sinh viên vay và có thể hoàn trả sau khi tốt nghiệp, có việc làm.


 Em Ngô Thành Tú- cựu sinh viên ĐH Ngoại thương cho rằng, các trường khi thực hiện tự chủ nên có sự hỗ trợ một phần tài chính hoặc tạo điều kiện cho sinh viên nghèo vay vốn để trang trải học tập.

Còn em Ngô Thành Tú - cựu sinh viên ĐH Ngoại thương, cho biết đã được thông tin và chuẩn bị tâm lý về lộ trình tăng học phí của ĐH Ngoại thương và nhiều trường ĐH khác trước khi đăng ký xét tuyển vào học tại trường. Tuy nhiên, việc tăng học phí phải song hành với nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên được học tập, nghiên cứu với cơ sở vật chất tốt hơn. Khi tăng học phí, các trường nên thông báo rộng rãi tới sinh viên sớm với thời gian từ 1 đến 2 kỳ học để sinh viên và gia đình chuẩn bị trước. Ngoài ra, các trường nên có sự hỗ trợ một phần tài chính hoặc tạo điều kiện cho sinh viên nghèo vay vốn để trang trải học tập.

Cần đồng bộ giữa Luật Giáo dục ĐH sửa đổi với các luật khác

Có thể thấy, tự chủ ĐH thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để các trường ĐH tự chủ một cách toàn diện hiệu quả, bền vững trong xu thế và giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục và các Bộ ngành khác cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, rà soát để đồng bộ giữa thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi với các bộ luật khác. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và là thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long.


Đại biểu Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Cho đến nay, có hơn 20 trường đại học đã thực hiện tự chủ trên nhiều phương diện: Tuyển sinh, tài chính, nhân sự... Đại biểu nhìn nhận về quá trình tự chủ của các trường trong thời gian qua như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Việc thực hiện tự chủ cho các trường ĐH đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Cách đây 6 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77 giao quyền tự chủ cho một số trường thực hiện thực hiện thí điểm. Qua quá trình thực hiện thí điểm từ năm 2014 cho đến nay, đã có 23 trường ĐH thực hiện tự chủ trên các phương diện: tuyển sinh, nhân sự, học thuật, tài chính. Trong đó có trường đã triển khai thực hiện tự chủ toàn diện.

Theo Đề án tự chủ ĐH, những trường nào tự lo được kinh phí thì sẽ được tự chủ ở mức độ cao hơn. Dựa theo việc thí điểm tự chủ của các trường ĐH, Quốc hội cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Khi sửa đổi luật, Quốc hội đã sửa đổi theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Phóng viên Xin đại biểu cho biết những vướng mắc trong quá trình mở rộng tự chủ của các trường đại học và đưa ra giải pháp để giải quyết những vướng mắc đó?

Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trong quá trình triển khai Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), các trường cũng gặp phải một số khó khăn như cơ bản chỉ lo được kinh phí chi thường xuyên. Còn kinh phí đầu tư và các chương trình mục tiêu thì Nhà nước, các ngành chức năng vẫn phải đảm bảo cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Ngoài ra, khi thực hiện tự chủ ĐH, các trường còn gặp khó khăn thực hiện một số điều bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH với các luật khác. Ví dụ như các trường còn gặp khó khăn trong vấn đề tổ chức nhân sự, chi trả lương cho giảng viên, nhân viên vì vướng Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Ngân sách. Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản của các trường vẫn vướng vì còn liên quan đến Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Vì những lý do trên nên nếu mở rộng tự chủ ĐH thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cần có sự nghiên cứu đồng bộ khi thực hiện các điều luật của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) với sửa đổi các Luật liên quan khác để có đề xuất phù hợp trước Quốc hội.

Phóng viên: Việc tự chủ tài chính và để nâng cao chất lượng khiến các trường đại học phải nâng mức học phí. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều phụ huynh, sinh viên lo lắng và thậm chí gặp phản ứng từ dư luận xã hội. Theo đại biểu, các trường cần có biện pháp gì để không xảy ra phản ứng này nhưng vẫn thực hiện được tự chủ tài chính hiệu quả?

Đại biểu Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Giáo dục ĐH là hệ thống đào tạo nghề nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia tích cực, có hiệu quả vào thị trường lao động. Khi các trường ĐH công lập tự chủ thì phải tính đến việc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nên buộc các trường phải tăng học phí. Điều này chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới sinh viên, gia đình các em và người dân nên cần có lộ tình tăng học phí một cách công khai, minh bạch.

Để các trường vẫn tự chủ tài chính hiệu quả thì chúng ta cũng phải tính đến chính sách an sinh xã hội, tín dụng đối với sinh viên và hỗ trợ học bổng là con em gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, sinh viên nghèo vượt khó...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Về cơ bản, đại biểu Phạm Tất Thắng thống nhất với quan điểm của Chính phủ và nhiều trường ĐH cho rằng, tự chủ là xu thế tất yếu của quá trình phát triển giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực và góp phần giảm ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để hỗ trợ các trường ĐH công lập thực hiệu hiệu quả và bền vững tự chủ cũng như mở rộng nhiều hơn nữa các trường được tự chủ toàn diện thì rất cần thêm sự đồng bộ thực hiện giữa Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) với các luật khác./.

Bích Lan

Print   Close