KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TẬP TRUNG CHỦ YẾU Ở LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI.

12/09/2019

Báo cáo tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019, khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai.

 Khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp; nhiều đoàn đông người và công dân của một số địa phương thường xuyên tập trung lên các cơ quan Trung ương khiếu nại, tố cáo dài ngày. Trên một số lĩnh vực khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp như: liên quan đến lĩnh vực môi trường (việc quy hoạch, xây dựng, vận hành nơi tập kết, nhà máy xử lý rác thải; việc xả thải của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp; việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang; khai thác tài nguyên, khoáng sản, dự án điện năng lượng gió, mặt trời); liên quan đến đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng…. Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt (điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, Tp.Hồ Chí Minh).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo một số nội dung

Hầu hết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp là các vụ việc cũ chưa được giải quyết dứt điểm hoặc những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, các cấp, ngành kiểm tra rà soát nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt. Số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2018, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 7 %, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.

Về khiếu nại, so với năm 2018 giảm 5,5% số đơn và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018), trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT , v.v…; khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4,7%, về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có công chiếm 6,1%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,3% số đơn nhưng tăng 6,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 66,5% (tăng 1,2% so với năm 2018); tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 5,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 1,9% ,...

Xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cho rằng, về cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 67,7 % tổng số đơn khiếu nại (tăng 5,9%); còn về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ... Tại một số địa phương tình hình khiếu nại có diễn biến rất phức tạp liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai có nguồn gốc do nông, lâm trường quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, việc thu phí tại các trạm BOT, vấn đề mua bán và quản lý nhà chung cư; đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra tại Phiên họp

Tuy nhiên, Báo cáo vẫn chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2019, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây; chưa phân tách được số liệu vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong... để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới.

Ủy ban Thẩm tra đánh giá, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo vẫn là những nguyên nhân như đã được chỉ ra trong các báo cáo trước đây, chưa có sự đi sâu, phân tích làm rõ sự khác biệt của năm nay so với các năm trước. Ngoài ra, hiện nay đã xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng. Bên cạnh đó, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2019 lại giảm đi (giảm 3%), trái ngược với năm 2018.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đai; kiên quyết hơn trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm; có phương án đào tạo, nâng cao trình độ và bố trí sắp xếp, luân chuyển cán bộ, công chức ở ngành, lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo. Đồng thời bổ sung phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để từ đó có thể rút kinh nghiệm mở rộng cho các năm tiếp theo; đồng thời xác định rõ những biện pháp, giải pháp đã thực hiện lâu dài nhưng không mang lại hiệu quả, chưa phù hợp để đề xuất kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi trong thời gian tới./.

Hồ Hương

In bài viết   Đóng lại