Quốc hội phê chuẩn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

26/06/2015

Sáng 26/6, với 440/447 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 89.07%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước ta khi Quốc hội và Hiến pháp quyết định giao quyền tư pháp cho Tòa án nhân dân, do đó Quốc hội tiến hành phê chuẩn đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

               Ảnh: Văn Bình

Quốc hội đã phê chuẩn 15 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), danh sách cụ thể gồm có:

1. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, sinh năm 1960, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên Bang Đức (do Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao giới thiệu).

2. Ông Trần Văn Cò, sinh năm 1958, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

3. Ông Nguyễn Văn Du, sinh năm 1963, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

4. Ông Đặng Xuân Đào, sinh năm 1955, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa Kinh tế TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

5. Ông Nguyễn Văn Hạnh, sinh năm 1959, Thiếu tướng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

6. Ông Tống Anh Hào, sinh năm 1956, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC.

7. Bà Nguyễn Thúy Hiền, sinh năm 1960, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp giới thiệu).

8. Ông Bùi Ngọc Hòa, sinh năm 1955, Ủy viên Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực TANDTC.

9. Bà Đào Thị Xuân Lan, sinh năm 1961, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH Khóa XIII (Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu).

10. Ông Lê Văn Minh, sinh năm 1964, Thẩm phán TANDTC, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC.

11. Ông Chu Xuân Minh, sinh năm 1956, Thẩm phán TANDTC, Hiệu trưởng Trường cán bộ Tòa án, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

12. Ông Nguyễn Sơn, sinh năm 1957, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC, ĐBQH Khóa XIII.

13. Ông Nguyễn Văn Thuân, sinh năm 1958, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC.

14. Bà Lương Ngọc Trâm, sinh năm 1966, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa Hình sự TANDTC.

15. Ông Nguyễn Trí Tuệ, sinh năm 1963, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ TANDTC kiêm Trưởng khoa Đào tạo Thẩm phán, Trường cán bộ Tòa án.

                                                                                                                                                                                           Ảnh: Đình Nam

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Như vậy, Quốc hội đã tán thành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Với danh sách được Quốc hội phê chuẩn có 15 thành viên, cùng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là thành viên đương nhiên, Quốc hội đã phê chuẩn 16 thành viên Hội đồng thẩm phán. Theo quy định của Luật tổ chức tòa án nhân dân thì cần từ 13-17 thành viên, như vậy chúng ta đã có lượng thẩm phán đủ để đảm bảo cho hoạt động của ngành tòa án.

Thay mặt Quốc hội, chúc mừng các vị Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa được Quốc hội được phê chuẩn, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tỷ lệ phiếu bầu có thẩm phán được trên 60%, 70%, 80% và có thẩm phán trên 90%. Tỷ lệ này có khác nhau là thể hiện sự đánh giá rất sâu sắc của các đại biểu Quốc hội. Đối với những đồng chí tín nhiệm chưa cao cần phải cố gắng thêm để xứng đáng với lòng tin của Quốc hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp, Tòa án được giao quyền tư pháp, một nhánh quyền rất quan trọng, bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trọng trách vô cùng to lớn. Hội đồng Thẩm phán tối cao càng có vị trí quan trọng, đây là cuộc bỏ phiếu phê chuẩn nhưng cũng là một cuộc thể hiện tín nhiệm, đồng thời là cuộc thể hiện đòi hỏi của Quốc hội cũng là đòi hỏi của Nhân dân đối với các đồng chí Thẩm phán.

Đức Phương

In bài viết   Đóng lại