17/08/2020
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc quy định về đánh giá tác động môi trường sơ bộ cần trong luật này cần bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư.
Thảo luận về nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.
Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thì dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư năm 2020 quy định “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” là một nội dung của báo cáo đề xuất dự án đầu tư; đối tượng và nội dung được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Cụ thể: Phương án 1 là phương án Chính phủ trình, theo đó, tại Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội Kỳ họp thứ 9 có bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện, trong khi đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa có quy định này.
Phương án 2 tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” của dự thảo Luật là dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện (Điều 30 dự thảo Luật).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, phương án này có ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục môi trường khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này, cũng như Phương án 1 thì phải sửa một số quy định liên quan đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Luật Đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất.
Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến thay cụm từ “đánh giá tác động sơ bộ về môi trường” (Khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công) thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” (Khoản 6 Điều 30) của dự thảo mới Luật này.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Đầu tư công mới được sửa đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ của các dự án, ảnh hưởng đến thủ tục, tiến trình đầu tư. Nguyên tắc đưa ra như Luật Đầu tư công vừa sửa đổi vừa đảm bảo tháo gỡ về cải cách thủ tục hành chính, nhưng đồng thời cũng kiểm soát được những vấn đề liên quan đến môi trường. Từ đó cho thấy cả hai phương án dự kiến tiếp thu, giải trình vấn đề đều chưa ổn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng cả hai phương án đề xuất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ đều có điểm chưa ổn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, theo phương án của Chính phủ quy định đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với các dự án tác động xấu đến môi trường là rất khó bởi đang ở trong giai đoạn chuẩn bị quyết định đầu tư thì chưa thể phân tích được dự án có tác động xấu đến môi trường như thế nào. Đối với phương án đề xuất là đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với các dự án nhóm 1 thì lại không bao quát hết. Luật Đầu tư công với yêu cầu đơn giản thủ tục thì có một đánh giá sơ bộ để các cơ quan quyết định đầu tư sẽ xem ảnh hưởng môi trường, mặt tốt, mặt xấu và tác động như thế nào. Trên cơ sở đó nếu nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền có ý kiến thì phải làm cụ thể hóa, nếu không có tiêu chuẩn về thế nào là tác động xấu thì sẽ khó thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng nếu chỉ đánh giá đối với các dự án nhóm 1 thì ở khối các địa phương, các ngành rất nhiều dự án dù nhỏ nhưng vẫn có những tác động đến môi trường nhất là các dự án liên quan đến ô nhiễm nước, dự án thủy lợi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, vẫn cần áp dụng đánh giá tác động môi trường sơ bộ theo quy định của Luật Đầu tư công và lưu ý rằng bản chất đánh giá sơ bộ là để cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho phù hợp.
Tán thành với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng các dự án thực sự rất khó biết thế nào là xấu, hay là tác động cao, thấp ngay từ đầu. Cho nên phải có đánh giá tác động môi trường. Như vậy khi triển khai dự án có đánh giá môi trường và lần đầu là đánh giá sơ bộ, sau đó, tùy điều kiện chúng ta sẽ đánh giá sâu hơn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý rằng kể cả đánh giá tác động môi trường và đánh giá sơ bộ tác động môi trường thì đều phải đảm bảo tính thống nhất với các dự án luật, nhất là luật về đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết vấn đề vướng mắc nhất liên quan đến Luật Đầu tư công, còn Luật Đầu tư và Luật Xây dựng thì hiện nay đều thể hiện theo hướng viện dẫn đến pháp luật về môi trường, kể cả đối tượng và nội dung đánh giá. Riêng trong Luật Đầu tư công đang thể hiện là tất cả các dự án đầu tư công, đều phải đánh giá tác động môi trường. Nếu đi theo hướng này sẽ lại liên quan đến cả các luật về đầu tư khác, không phải là đầu tư công. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đánh giá tác động môi trường không nên đánh giá theo tính chất của dự án là đầu tư hay đầu tư công mà nên đánh giá theo tính chất tác động đối với môi trường của dự án khi đó phải thống nhất giữa tất cả các loại hình đầu tư.
Dự án Luật đang tiếp cận theo một hướng mới, theo đó phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường. Vấn đề này cần phải xử lý hài hòa giữa một bên là yêu cầu bảo vệ môi trường và một bên là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó yêu cầu đối với đánh giá phải hợp lý và không dẫn đến đội chi phí, kéo dài thời gian đối với các dự án đầu tư để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với các dự án thuộc nhóm 1 là phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường vừa bảo đảm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh
Nhấn mạnh nguyên tắc là xử lý hài hòa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ ủng hộ phương án 2 là đưa ra một số những tiêu chí để phân loại dự án theo mức độ tác động môi trường. Dự thảo luật đã đưa ra một số tiêu chí như loại hình quy mô dự án gắn với tính chất của chất thải là diện tích đất mặt nước và không gian bị chiếm dụng, quy mô di dân khi thực hiện dự án, mức độ xâm hại đối với di sản thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên. Trên cơ sở các tiêu chí đó thì phân loại mức độ tác động môi trường ra làm 4 loại là mức độ tác động cao, mức độ tác động trung bình-cao, mức độ trung bình và mức độ thấp hoặc là không có tác động. Căn cứ vào phân loại mức độ tác động như vậy để quy định dự án nào cần phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, dự án nào phải đánh giá đầy đủ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp và có tính khoa học.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, quy định nhóm dự án có nguy cơ tác động môi trường cao thì mới thuộc diện phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường là cũng hài hòa với yêu cầu đảm bảo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi phải sửa các quy định có liên quan trong Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một bước rất cần thiết để xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi có quyết định đầu tư hoặc là cho phép đầu tư của một dự án. Tuy nhiên, để tránh xung đột, dự thảo Luật dự kiến quy định chỉ đánh giá tác động môi trường với các dự án nhóm 1, trong khi theo Luật Đầu tư công thì tất cả những công trình đầu tư công đều phải đánh giá sơ bộ. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tiếp tục phải rà soát thêm để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và cũng tránh bỏ sót những dự án trong quá trình đánh giá. Vì vậy có thể đưa ra 2 phương án để thảo luận kỹ hơn./.
Bảo Yến