27/02/2020
Rừng là một trong những yếu tố tiên quyết cho vấn đề môi trường. Đảng và Nhà nước cũng luôn đặt công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng trên thực tế, tình trạng phá rừng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, đã từng đặt vấn đề tại nghị trường Quốc hội: Phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý của một bộ phận cán bộ chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao?
Nạn chặt phá rừng đầu nguồn diễn biến ngày càng nghiêm trọng
Nạn chặt phá rừng ở Việt Nam hiện nay đang trở thành vấn đề hàng đầu cần được giải quyết triệt để. Hiện diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đât rừng hợp lý, người dân sống ở khu vực xung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức; quy hoạch rừng để xây dựng thuỷ điện, nhà máy, làm trang trại; bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh di cư; do sự tham gia, câu kết của cán bộ kiểm lâm với lâm tặc chuyên chặt phá cây rừng. Có thể thấy, tình trạng này chiếm phần lớn tỷ lệ cây rừng bị chặt phá ở nước ta hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 12.900 vi phạm pháp luật về rừng. Điều đáng nói là số vụ phá rừng giảm nhưng số vụ bị xử lý, khởi tố hình sự lại tăng mạnh với 363 vụ, tăng 51 vụ ( tăng 16%) so với năm 2017, trên 16.027 m3 gỗ các loại bị tịch thu (giảm 7% so với năm 2017). Cũng trong năm 2018, có 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ, lâm sản ( giảm 25% so với năm 2017) bị phát hiện và xử lý, tịch thu 16.027 m3 gỗ.
Giải pháp nào cho vấn nạn phá rừng ở nước ta hiện nay?
Thực tế, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam đang ngày càng suy giảm nhanh với tốc độ chóng mặt. Nhất là độ che phủ rừng ở khu vực miền Trung. Độ che phủ ở nước ta hiện còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp ( Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 -2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật mất chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Năm 2019, riêng phá rừng đã phát hiện 1.179 vụ, tăng trên 16% so với năm 2018, vận chuyển động vật hoang dã tăng 21%.
Anh Nguyễn Khắc Trưởng, cán bộ Lữ đoàn 382, Quân khu I cho biết, rừng của chúng ta hiện nay cạn kiệt rất nhiều do việc quản lý của cán bộ các cấp, cấp cơ sở chưa được chặt chẽ, có sự nương nhẹ trong công tác xử lý dẫn tới việc phá rừng có chiều hướng phức tạp.
Chặt phá rừng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, môi trường môi sinh bị ô nhiễm, lũ lut, cháy rừng…Nạn chặt phá rừng cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, bão, lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh phát sinh. Mùa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng, trở thành mối đe hoạ nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế nước nhà. Theo báo cáo của Tổ chức FAO, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ, cháy rừng. Thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng gần đây, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân ở những địa bàn không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là nhiều nơi ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên thay cho chi phí trồng rừng để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ, khi đó người dân tự thấy việc tham gia phòng, chống cháy rừng là bảo vệ đời sống của họ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng
Theo số liệu thống kê về tài nguyên rừng, Việt Nam có khoảng 6 triệu hecta rừng dễ cháy. Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp ở Việt Nam cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Con người chặt phá rừng đầu nguồn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, khai thác gỗ, xây dựng thuỷ điện, giao thông hạ tầng…Chính điều này gây ra sự suy giảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm. So với các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung của Việt Nam cũng đang phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên do nạn chặt phá rừng. Nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh Miền Trung bị chặt phá. Và được thay thế bằng các thuỷ điện nên làm mất khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn. Do đó, nơi đây cũng đang phải gặp tỉnh cảnh mưa lũ nghiêm trọng. Miền Trung còn chiu sự khắc nghiệt hơn khi hạn hán liên tục xảy ra do không có rừng.
Tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ từ nhiều năm trước là giải pháp kịp thời và cần thiết nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên, cần phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng và đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng. Quyết tâm đình chỉ, thu hồi những dự án kém hiệu quả, dừng những dự án gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên; kiểm tra, truy quét “ đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiêm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiêm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi Cục Phó Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như ứng phó thiên tai, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã quan tâm đến nâng cấp công trình phòng chống thiên tai, các biện pháp công trình và phi công trình, nâng cấp toàn bộ hệ thống đê biển đặc biệt là những tuyến đê trực diện với biển để chống được bão cấp 9 cấp 10 hay biện pháp phi công trình trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác trồng rừng chắn sóng bảo vệ hệ thống đê biển.
Ông Nguyễn Bảo Khương, Phó Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình
Theo nghiên cứu của quỹ Châu Á, trong 20 năm qua, Việt Nam là một trong 5 nước có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu, với mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hàng năm. Bên cạnh đó là các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Trên thực tế, rừng vẫn đang bị tàn phá, làm suy giảm về số lượng và chất lượng. Mất rừng là mất nơi trú ẩn, sinh cảnh của các loài động thực vật, mất đi các nguồn gen quý. Theo ước tính, Việt Nam đang mất đi 137 loài thực vật, động vật và côn trung mỗi ngày do phá rừng nhiệt đới, con số này tương đương với 50.000 ha, hoa màu là 19.000 ha và cây ăn quả là hơn 52.000 ha.
Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, kiểm điểm người đứng đầu để xảy ra phá rừng
Sinh kế của 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuốc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu; góp phần tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới; giúp điều chỉnh tác động tiêu cựu của các hiện tượng thời tiết cực đoan…Tuy vậy, vì lợi nhuận, một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý, tiếp tay cho lâm tặc đã và đang đang tàn phá rừng. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Phóng viên: Được biết tại kỳ họp Quốc hôi, trong phần thảo luận về kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề mà Đại biểu quan tâm là vấn nạn về phá rừng, đại biểu có đặt câu hỏi là phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm trong vấn đề quản lý của một bộ phận cán bộ, chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, Đại biểu có thể nêu cụ thể nội dung này ?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Mặc dù khai thác rừng âm thầm trong rừng sâu, nhưng ra khỏi rừng thì ngõ to ngõ nhỏ đều có chính quyền địa phương, đều có lực lượng kiểm lâm, đều có lực lượng công an và đều có chính quyền địa phương, nhưng tình trạng phá rừng không giảm, vẫn có chiều hướng gia tăng và rất phức tạp. Năm 2019 riêng tội phạm liên quan tới môi trường là 22.835 vụ, các cơ quan chức năng có khởi tố 233 vụ, chiếm tỷ lệ 1,58%. Như vậy, số vị phạm rất lớn nhưng số khởi tố còn ở con số nhất định và chưa đủ sức răn đe. Cũng năm 2019, theo số liệu báo cáo của Chính phủ, rõ ràng công tác liên quan tới vấn nạn phá rừng vẫn tiếp tục tăng và vấn đề vận chuyển động vật hoang dã vi phạm tiếp tục tăng. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ phải tiếp tục có giải pháp hết sức mạnh mẽ. Phải chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, nếu để xảy ra phá rừng, xảy ra khai thác lâm sản trái phép, thì Chính phủ phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Thứ hai các có quan chức năng cần phải xử lý quyết liệt hơn, những vụ có dấu hiệu của phạm tội cần khởi tố vụ an, khởi tố bị can.
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá gì về những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm khắc phục tình trạng phá rừng diễn ra trầm trọng như hiện nay ?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Vấn đề quản lý nhà nước ở các địa phương, vấn đề chính quyền ở các địa phương quản lý, chúng tôi cho rằng còn buông lỏng. Đơn cử như thời gian gần đây, một loạt những vụ xâm hại rừng nghiêm trọng vẫn diễn ra, như: Rừng quốc gia Tam Đảo, hàng nghìn cây thông bị khai thác trái phép, dẫn tới cây thông sẽ không phát triển được; Gần hơn nữa là hàng nghìn cây thông chạy quốc lộ 14 cũng bị bức tử dẫn tới chết.... Rồi một loạt vụ việc liên quan tới rừng phòng hộ, vấn đề khai thác lâm sản trái phép ở một số nơi.
Chúng tôi cho rằng đây là hồi chuông báo động vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay. Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì rõ ràng trong một thời gian nữa, rừng không còn và sẽ bị cạn kiệt, thậm chí sẽ bị các đối tượng khai thác trái phép. Hậu quả rừng chết, khai thác cạn kiệt, dẫn tới hậu quả vấn đề xói lở, vấn đề sạt lợ, lũ lụt rất nghiêm trọng tới môi trường.
Phóng viên: Theo Đại biểu, đâu là giải pháp để xác định rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng ?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Quản lý nhà nước phải được tăng cường hơn trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng, Chính phủ ngoài việc chỉ đạo quyết liệt thì cần quy trách nhiệm của Chính quyền địa phương các cấp mà để xảy ra tình trạng này. Ngoài quy trách nhiệm cho người đứng đầu, trách nhiệm của Chính quyền địa phương thì phải khởi tố những vụ liên quan tới vi phạm pháp luật. Và qua khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì mới đủ sức răn đe chấm dứt ngay tình trạng này. Một năm mà tiếp tục có chiều hướng gia tăng như vậy thì rõ ràng đây là cảnh báo hết sức lo lắng của cử tri cũng như nhân dân vấn đề bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã.
Phóng viên: Theo Đại biểu bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể nào nhằm ngăn chặn tận gốc vấn nạn này?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Tôi cho rằng, để quản lý chặt vấn đề rừng cũng như vận chuyển động vật hoang dã, các cấp chính quyền phải giao cho các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, kiểm lâm và chính quyền cấp xã, huyện cần phải nâng cao trách nhiệm. Ngoài việc tuyên truyền ra thì các lực lượng trên phải kiểm soát, tuần tra, xử lý, quản lý chặt và xử lý nghiêm những đối tượng khai thác trái phép và vận chuyển trái phép động vật hoang dã để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Có như vậy, người dân mới nâng cao ý thức tự giác, ý thức chấp hành và pháp hiện những đối tượng khai thác trái phép và có thông tin kịp thời đối với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu
Những con số do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc ( FAO ) công bố khiến chúng ta phải giật mình. Mỗi năm có khoảng 130.000 km2 rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Câu chuyện quản lý, bảo vệ “lá phổi xanh“ ở Việt Nam đã, đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm, trong đó đáng báo động là rừng bị tàn phá bởi chính bàn tay con người. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực tăng cường thực thi luật pháp, tuy vậy tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn là vấn đề nhức nhối. Đại biểu Hoàng Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cho rằng đã đến lúc cần có biện pháp mạnh hơn nữa, cứng rắn hơn nữa đối với các đối tượng lâm tặc, đặc biệt cần có biện pháp xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao, cán bộ kiểm lâm biến chất, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về rừng mới có thể giải quyết được vấn nạn phá rừng./.
Kim Yến