15/10/2019
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm. Còn theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, không đúng với chuyên môn được đào tạo. Qua các kỳ họp Quốc hội, vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm hay nguồn nhân lực chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế luôn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.
Hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm
Dành mọi tâm huyết trong bài giảng của mình để hi vọng truyền cảm hứng tốt nhất cho sinh viên kiến thức ở trên cả phương diện kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, cô Trần Thị Mai Thanh - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng đối với ngành văn hóa xã hội, sinh viên phải có niềm đam mê, nắm vững kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó phải thường xuyên trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm chủ cảm xúc; kỹ năng ứng biến/xử lý tình huống và đặc biệt vốn ngoại ngữ cần phải thường xuyên trau dồi. Có như vậy sau khi ra trường sinh viên mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Giảng viên Trần Thị Mai Thanh: Sinh viên phải hội tụ cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để tiếp cận công việc tốt hơn
Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên định hướng nghề nghiệp tốt hơn, sinh viên có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều trường Đại học, Cao Đẳng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình “Ngày hội việc làm”, “Hội chợ tuyển dụng” và xây dựng chương trình đào tạo, liên kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp…Thông qua chương trình, nhà tuyển dụng cũng đã lựa chọn được nguồn nhân lực trẻ chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực của các trường, mong muốn sinh viên có công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Song trên thực tế, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Theo số liệu năm 2018 của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng, chia cho trung bình bốn năm học, mỗi năm có gần 300.000 sinh viên ra trường. Kể từ năm 2015 trở lại đây, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên khoảng 200.000 người. Nhưng đáng lo ngại là có đến 60% sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo.
Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý I/2019, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1.059.000 người. Trong đó, số người thất nghiệp ở nhóm trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người. Nhóm trình độ trung cấp có gần 53.000 người thất nghiệp. Nhóm trình độ đại học trở lên có gần 125.000 người thất nghiệp.
Mất cân đối trong cơ cấu đào tạo trình độ lao động
Tại các kỳ họp Quốc hội, vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp hay đào tạo nguồn nhân lực luôn là vấn đề nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ mối lo ngại về vấn đề mất cân đối trong cơ cấu đào tạo trình độ lao động. Cơ cấu trình độ lao động trong các ngành của nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay là 1 đại học - 1 cao đẳng - 1 công nhân kỹ thuật. Trong khi đó, các nước Châu Âu đào tạo 1 lao động có trình độ đại học thì có 3 người trình độ cao đẳng và 10 công nhân kỹ thuật. Các nước phát triển có cơ cấu trình độ lao động 1 đại học thì có 4 – 6 trình độ cao đẳng và khoảng 15-17 công nhân kỹ thuật.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Mất cân đối trong cơ cấu đào tạo trình độ lao động
Nhiều đại biểu nhấn mạnh: Dù đang có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực do Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực vẫn tồn tại nhiều vấn đề, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Kết nối cung cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước cũng còn nhiều hạn chế. So với nhiều nước trong khu vực ASEAN năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, chúng ta cũng mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Công tác dự báo, chất lượng dự báo cung cầu lao động còn thấp; Công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo tại nhà trường và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Phần lớn cơ sở giáo dục chỉ đào tạo những gì nhà trường có chứ không đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Cần phân luồng học sinh tốt hơn
200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm; 60% sinh viên ra trường làm trái ngành... là con số đáng báo động về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong thời gian qua. Dù chúng ta đã nhìn nhận ra được những lo ngại về đào tạo nguồn nhân lực từ lâu nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận cử nhân vì không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp đã phải giấu bằng cấp đi làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức, với thu nhập thấp. Một bộ phận khác quay trở lại học nghề để tìm việc làm. Điều này cho thấy sự lãng phí lớn nguồn lực của bản thân người học, gia đình và của cả Chính phủ, Nhà nước. Điều này cũng là nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt của hàng trăm nghìn sinh viên sau nhiều năm học tập. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội về nội dung này:
Phóng viên: Hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành đào tạo lớn diễn ra từ nhiều năm nay. Đây là vấn đề xã hội bức xúc. Người dân có nhiều ý kiến, kiến nghị nhưng thực tế để xử lý vấn đề này rất khó. Bởi lẽ việc đào tạo của các trường không nằm trong quy hoạch cụ thể và chính vì thế không đào tạo theo thực tế nhu cầu thị trường mà lại đào tạo theo khả năng của trường.
Thực tế cũng cho thấy mô hình đào tạo và nhận thức định hướng nghề nghiệp ở nước ta vẫn còn một số vấn đề. Trong khi một số nước trên thế giới rất thành công với mô hình giáo dục và đào tạo định hướng nghề nghiệp từ bậc trung học, tuy nhiên khi áp dụng ở Việt Nam lại gặp trở ngại lớn do tâm lý chuộng bằng cấp hơn là lao động có tay nghề.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Các trường đào tạo không theo nhu cầu thị trường
- Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Khi chúng ta mở ra cơ chế thị trường, nhiều trường đại học mở ra và để đảm bảo chỉ tiêu nhiều trường đã hạ điểm chuẩn xuống rất thấp, vì vậy chúng ta không thể có lực lượng sinh viên tốt nghiệp đại học có chất lượng. Mà không có chất lượng thì làm sao đáp ứng được nhu cầu thị trường, như vậy thất nghiệp là đúng. Theo tôi được biết, hiện nay nhu cầu về lao động chất lượng, nhu cầu về các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp được đào tạo những ngành nghề xã hội cần và được đào tạo có chất lượng là không phải ít, trong khi đó vẫn còn có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm. Điều này cũng cho thấy xảy ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hoặc là đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chất lượng ngành nghề. Bên cạnh đó sinh viên vẫn còn thụ động và ỷ lại; không có định hướng, thiếu động lực, thiếu kỹ năng, thái độ và kiến thức cần thiết.
- Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp kéo dài mấy năm nay. Ở trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã nhiều lần thảo luận về vấn đề này. Bản thân tôi cũng đã tham gia vài lần ý kiến về vấn đề sinh viên vì thực tiễn thời gian qua sinh viên ra trường thiếu việc làm, thất nghiệp hoặc làm trái ngành nhiều. Song cũng phải thấy rằng, gần đây, trong công tác đào tạo của chúng ta cũng đã có chấn chỉnh ở các giải pháp đào tạo theo nhu cầu và theo thị trường lao động. Tuy nhiên, giải pháp này cần phải thực hiện liên tục, thường xuyên và để có hiệu quả thì quá trình này cũng kéo dài từ 5 đến 10 năm thì mới có thể giảm thiểu được tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp.
Phóng viên: Thưa đại biểu, cần có những giải pháp căn cơ gì để đẩy lùi tình trạng thất nghiệp sau khi sinh viên ra trường hoặc làm trái ngành quá nhiều?
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Theo tôi, trong thời gian tới, Chính phủ phải có quy định của tất cả các ngành, các trường đại học, phải rà soát, điều tra kỹ lưỡng nhu cầu về việc làm trong từng lĩnh vực để có chỉ tiêu nhất định trong đào tạo, trong tuyển sinh chứ không để đào tạo tràn lan. Cần phải đào tạo đúng nhu cầu, đúng sở thích và đúng với thực trạng từng ngành, từng lĩnh vực. Đối với người học cũng cần phải quan sát, định hướng rõ mình nên học ở lĩnh vực nào để phát huy sở trường, năng lực. Bên cạnh đó, có định hướng trong tuyên truyền, tư vấn cho học sinh ngày từ năm cuối cấp THCS.
- Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Cần có sự đổi mới cải cách mạnh mẽ trong giáo dục và đào tạo, làm sao đào tạo ra sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm. Như vậy, đào tạo phải đúng ngành nghề thị trường cần, đồng thời chất lượng đầu vào cũng hết sức quan trọng. Tiến tới cung cấp thông tin cho học sinh và để chính học sinh chọn lựa.
Trước đây, một thời gian dài, bố mẹ thường chọn ngành nghề cho các con theo ý chủ quan của bố mẹ mà không theo năng lực của các con. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của các cháu, sau khi tốt nghiệp đã không tìm được việc làm. Thực ra, nếu chúng ta chọn lựa trên tinh thần năng lực của các cháu, hướng cho các cháu vào những ngành nghề các cháu có khả năng thì chắc chắn các cháu sẽ tìm được việc làm.
Đại biểu Phùng Văn Hùng: Đào tạo phải đúng ngành nghề thị trường cần
- Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tôi cho rằng, chúng ta tăng cường giải pháp tư vấn phân luồng học sinh tốt hơn ngay từ lớp 9 (THCS) và bậc THPT. Tăng cường các giải pháp ở các lớp học, các cấp học ở địa phương để phân luồng học sinh tốt. Tức là để cho học sinh lựa chọn ngành nghề theo năng lực, khả năng của mình, có thể đi học nghề, chứ không nhất thiết cứ phải vào đại học hoặc học cao hơn nếu như khả năng không tới. Khi đã hội tụ kiến thức thực hành, thực nghiệm tốt rồi, có thể tiếp tục học nâng cao hơn như vậy sẽ rất tốt.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh: Tăng cường tư vấn phân luồng học sinh
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo quan điểm của các đại biểu, nếu Việt Nam làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ trường phổ thông, thì câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” đã không diễn ra trong thời gian dài. Do vậy, việc xây dựng một hệ thống giáo dục mở, làm tốt công tác định hướng và giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới là rất quan trọng. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước để tránh lãng phí nguồn nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó học sinh, sinh viên cũng cần phải trau dồi kiến thức học hỏi và sẵn sàng thay đổi tư duy, thay đổi bản thân, nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tốt./.
Lê Phương