31/08/2019
Theo Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước gần 16 triệu tấn/năm. Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Theo bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, rác thải là tài nguyên nhưng cũng là thảm họa nếu không quản lý được, đỏi hỏi Chính phủ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra chiến lược dài hạn để giải quyết....
Rác thải là thảm họa
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước gần 16 triệu tấn. Riêng lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ước tính khoảng gần 18 nghìn tấn và nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm.
Với tốc độ sử dụng đồ nhựa, túi nilon như hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy, hải sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người. Đáng nói, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở nước ta chiếm khoảng từ 8 đến 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ở Việt Nam ước tính khoảng gần 18 nghìn tấn
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội - nơi đặt bãi rác Nam Sơn, cho biết, có 7 huyện, thị xã chuyển rác về khu vực này. Trung bình mỗi ngày có trên 100 tấn và việc xử lý theo báo cáo chỉ được 30%, 70% là chôn lấp và đốt theo kiểu thủ công nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Rác thải cũng là tài nguyên
Rác thải và xử lý rác thải đang là vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, họ đã tận dụng hiệu quả rác thải, biến rác thải thành tài nguyên, mang lại giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải và họ coi rác thải chính là nguồn tài nguyên quý giá, rác chính là cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Thụy Điển là quốc gia trong nhiều năm liền đi đầu trong hoạt động tái chế rác thải. Hiện tỷ lệ rác thải từ các hộ gia đình được tái chế lên tới 99%. Hiện quốc gia này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để các nhà máy tái chế nước này tiếp tục hoạt động, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới loay hoay với bài toán tái chế rác thải nhựa thì Austria l đã dùng công nghệ sinh học để tái chế nhựa, chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao.
Na Uy cũng là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chất thải nhựa. Bằng chứng là 97% chai nhựa từ nước này đã được tái chế, 92% trong số đó quay trở lại thành nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục đựng nước uống. Vòng đời của một số chai nhựa ở Na Uy có thể lên tới 50 lần tái chế. Điều này biến quốc gia Bắc Âu trở thành hình mẫu của cả thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Còn tại Đức, rác được coi là cơ hội kinh doanh. Chính phủ Đức đã đưa ra những thông tin và yêu cầu các siêu thị là phải cung cấp các loại túi khác thân thiện với môi trường hơn. Nếu khách hàng yêu cầu có túi ni-lông, họ phải trả tiền thay vì được miễn phí như trước đây.
Cần làm gì để biến rác thải thành tài nguyên?
Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam. Nhưng rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó 50 – 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. Song số lượng rác được thu gom về chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng. Nguyên nhân là số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí "tài nguyên rác" như hiện nay.
Theo các chuyên gia về môi trường, rác thải cũng được coi là nguồn tài nguyên vì nhiều thành phần trong đó có nguồn gốc từ các tài nguyên thiên nhiên, nên nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận. Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, nếu tính bài toán kinh tế, rác thải không phải bỏ đi tất cả mà có thể tận dụng, rác thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Vì vậy, coi rác thải là một loại tài nguyên và việc coi rác thải là tài nguyên đã được thế giới công nhận và việc tái sử dụng rác thải chính là thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tức là tất cả trong một vòng khép kín, không lãng phí nguồn nguyên liệu nào.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội và môi trường, Nhà nước có một số chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tái chế rác nhưng hiệu quả chưa cao vì chính sách chưa thực sự đồng bộ, vì muốn tái chế được cần có đầu vào là rác được phân loại với số lượng lớn và chất lượng ổn định.
Bà Phạm Thị Ngọc Ánh, Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội và môi trường
Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải ở nước ta gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.
Cách đây 15 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước năm 2004, trong đó đã nhấn mạnh: “Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường”. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện nghị quyết, vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường, và sử dụng rác là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác vẫn chưa đạt được như mong muốn.
"Thời gian qua đã có những đề án lớn của Chính phủ liên quan đến công nghiệp môi trường nhưng tôi cho rằng chưa đủ, chỉ có phát triển công nghiệp môi trường chúng ta mới có giải pháp xử lý chất thải, biến rác thải thành tài nguyên. Đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý chất thải, tháng 3 vừa rồi thủ tướng đã quyết định và đang được xúc tiến triển khai. Tuy nhiên cần làm nhanh hơn nữa, trước hết về mặt tổ chức, chất thải không phải riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Việc chuyển về cho một bộ làm đầu mối quản lý cần được đẩy nhanh tiến độ. Khi đã thu gọn đầu mối quản lý cần điều chỉnh ngay các văn bản quy phạm pháp luật, luật có thể chậm hơn nhưng trong Nghị định của Chính phủ và Thông tư cần sớm sửa đổi để thực hiện" - ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nêu ý kiến.
Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Thuật ngữ “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” trong đó chú trọng tái sử dụng các nguyên vật liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước thích nghi và phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Việt Nam cần làm gì để rác là tài nguyên, chứ không phải là chất gây ô nhiễm? Phải tận dụng rác để tái chế, tái sử dụng, đồng thời chuyển hóa rác thành năng lượng, phân bón hữu cơ như thế nào? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội về vấn đề này:
Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu rác thải đang là thảm họa ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Tôi rất đồng tình với quan điểm này vì rác thải là hậu quả gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường vô cùng nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam, mà ở nước ta còn nghiêm trọng hơn bởi chúng ta là nước đang phát triển nên trong quá trình phát triển có nhiều vấn đề cần giải quyết đặc biệt là ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu phát triển bền vững, tức là 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng luôn nêu quan điểm chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân như Hiến pháp 2013 đã quy định, tức là mọi công dân Việt Nam đều có quyền sống trong môi trường trong lành.
Bà Bùi Thị An, Nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Phóng viên: Ở nhiều nước trên thế giới đã biến rác thải thành tài nguyên mang lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế, theo đại biểu Việt Nam cần làm gì để tận dụng được nguồn tài nguyên này?
Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Tôi cho rằng, Việt Nam cần coi đây là bài học và là mục tiêu và cần phải phấn đấu hình thành công nghiệp chế biến rác, mang lại sự giàu có cho đất nước, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Tôi cho rằng, cần có quy định rõ ràng, ví dụ rác thải tái chế thành vật liệu hữu dụng cho xã hội, nhưng để làm được điều này cần phân loại được rác từ đầu nguồn. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, hoạt động phân loại rác ở Việt Nam chưa làm được, vì vậy muốn tái chế, phân loại và sử dụng công nghệ hiện đại thì mới giải quyết được vấn đề.
Phóng viên: Để tái sử dụng rác thải hiệu quả thì cần làm tốt khâu phân loại từ đầu nguồn, vậy theo đại biểu cầu làm gì để nnâng cao ý thức của người dân?
Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Ở một số địa phương đã xử lý vấn đề rác thải thí điểm hiệu quả, bắt đầu mang lại thành công, người dân chấp nhận, đồng tình và ủng hộ và mỗi gia đình đã có ý thức phân loại rác từ đầu nguồn. Tuy nhiên, thói quen xấu, từ lâu đời của người dân là không phân loại rác, thậm chí sau khi các hộ gia đình phân loại rác nhưng khi đi thu gom lại không được xử lý đúng cách. Đây là ý thức chưa thực sự tốt của nhiều người, trong đó có cả những người tham gia thu gom rác, xử lý rác. Vì vậy, các địa phương phải có phương án quản lý chặt chẽ, trước hết từ tổ dân phố, cấp phường, đến thành phố, tỉnh. Nếu quản lý nhà nước tốt, cộng với việc tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả thì việc phân loại rác sẽ thắng lợi. Nếu thành công trong công tác phân loại rác thì công nghiệp chế biến rác sẽ thuận lợi và chúng ta còn tạo được giá trị gia tăng rất lớn từ rác.
Phóng viên: Tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối quản lý chất thải rắn, khắc phục được tình trạng chồng chéo do 7 bộ cùng quản lý như thời gian qua. Vậy theo đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm gì để tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh tái chế rác thải ở nước ta?
Bà Bùi Thị An, Nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Theo tôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý rác thải, trong đó đặc biệt chú ý khâu phân loại ngay từ đầu nguồn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát tất cả văn bản liên quan đến công tác quản lý rác thải, phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại… Tiếp đến là phân cấp quản lý và tuyên truyền cho người dân. Bởi có đủ cơ chế, chính sách, chế tài xử phạt, công tác lý tốt nhưng không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân thì khó khả thi.
Bên cạnh quản lý nguồn rác thải trong nước thì cũng quản lý rác thải nhập khẩu. Bài học nhập phế thải thời gian qua chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng việc xử lý còn nhiều khó khăn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Rác thải là tài nguyên nhưng cũng là thảm họa ô nhiễm môi trường nếu chúng ta không quản lý được. Sau nhiều năm trong tình trạng 07 bộ cùng quản lý chất thải rắn, gây chồng chéo, kém hiệu quả, tháng 3/2019 vừa qua, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 09, trong đó thống nhất giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Nhưng để mục tiêu tận dùng nguồn tài nguyên rác thải, biến rác thải thành giá trị gia tăng cho nền kinh tế vẫn cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo ý kiến của đại biểu Bùi Thị An, để thực hiện được mục tiêu này, cần kiểm soát ô nhiễm ngay từ đầu trong công tác quản lý chất thải là một yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ nhiều cấp có liên quan. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác thải. Có như vậy thì những tâm huyết từ phòng họp mới mang lại hiệu quả trong thực tiễn, và rác thải không còn là vấn đề gánh nặng, là vấn đề khó giải quyết của đất nước đang phát triển như ở Việt Nam./.
Lan Hương