01/08/2019
Hệ thống chính sách dân tộc của nước ta bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... thay đổi đáng kể thực trạng khó khăn của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên trong tình hình mới đặt ra nhiều thách thức nếu không có những quyết sách phù hợp thì sẽ xuất hiện, gia tăng những diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xác định rõ chính sách dân tộc và chính sách phải đáp ứng đúng nhu cầu.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn cần sự quan tâm hỗ trợ phát triển
Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là vùng có khó khăn nhất cả nước về: điều kiện khó phát triển, chất lượng nguồn nhân lực, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có tỷ lệ nghèo cao nhất.
Cơ cấu kinh tế vùng chủ yếu vẫn là nông, lâm nghiệp (tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm trên 50%); cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của DTTS chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ nghèo chiếm 55,27% (năm 2018) hộ nghèo của cả nước; một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao 70 - 80% như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng...
Hội thảo Đề án “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”
Tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản: khoảng 30% học sinh DTTS chưa được đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế của người DTTS mới đạt 44,8%; gần 1/3 số hộ DTTS chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; hơn 15,3% số hộ gia đình người DTTS ở nhà tạm, trong đó có 14 dân tộc có tỷ lệ nhà ở tạm gần 50%; 2/3 số hộ DTTS chưa có nhà xí hợp vệ sinh.
Cùng với những khó khăn, thách thức to lớn đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS&MN như biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường, gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng lớn đến sinh kế bền vững của đồng bào DTTS (như: sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung...
Ngoài ra, vùng DTTS&MN đang đối mặt với nhiều nguy cơ khác, đó là: việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, nhất là sự mai một, biến dạng trong về ngôn ngữ, chữ viết, trang phục truyền thống; sự phát triển của tôn giáo trong một số DTTS; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ cán bộ người DTTS thấp, còn thiếu và yếu… Các khó khăn, thách thức này tác động rất lớn đến phát triển bền vững của vùng DTTS&MN nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Trước thực trạng đó, Đảng và Nhà nước đã luôn coi công tác dân tộc là vấn đề chiến lược trước mắt và lâu dài. Đảng luôn nhất quán chủ trương đẩy nhanh phát triển về mọi mặt đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước. Nhiệm vụ này càng trở lên cấp thiết hơn trong bối cảnh quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần phải đánh giá hiệu quả chính sách có đáp ứng đúng mong mỏi của đồng bào
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp về chính sách dân tộc, Quốc hội đã thể chế hóa thành các quy định trong các văn bản ban hành theo thẩm quyền (bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết); ban hành các nghị quyết về chính sách dân tộc và liên quan đến công tác dân tộc làm căn cứ để cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện.
Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, tại Hội thảo Đề án “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh phản ánh hiện nay có nhiều chính sách về dân tộc với khoảng 118 chính sách với trên 30 nghị quyết nhưng lại chưa đủ. Các chính sách chưa phát huy hết hiệu quả, dẫn đến tình trạng vùng đồng bào DTTS và MN phát triển không đồng bộ, không tỷ lệ thuận với sự phát triển chung của đất nước.
Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cho biết, vùng đồng bào dân tộc không chỉ chênh lệch giàu nghèo, mức sống mà còn có sự mai một về văn hóa là rất lớn, sự tha hóa tín ngưỡng tôn giáo cũng rất rõ ràng, một bộ phần chuyển từ tín ngưỡng truyền thống sang tôn giáo ngoại lai rất nhanh và dễ dàng, cùng với đó là sự suy giảm về thể chất và thể lực. Đây là những nội dung cần được đánh giá và phản ánh kỹ hơn.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh, nếu chỉ bàn riêng câu chuyện chính sách dân tộc, mà không tính đến nguồn lực thực hiện sẽ không giải quyết được căn cơ, gốc rễ vấn đề. Chính sách phải đi theo từng đối tượng cụ thể, đi vào bản sắc dân tộc. Dân tộc Dao khác dân tộc H’mông, dân tộc Tày, dân tộc Nùng, dân tộc Sán Chỉ… như thế nào? Chính sách đã giải quyết đúng vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số mong mỏi và đến được với người dân hay chưa?
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các dân tộc Việt Nam
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, xây dựng chính sách phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng và phải gắn với vùng miền trong khi hiện nay việc xác định đối tượng thụ hưởng của chính sách rất chung chung nên chính sách không đến đúng đối tượng nên không đi vào được cuộc sống.
Lý giải một phần nguyên nhân, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho rằng hiện còn thiếu dữ liệu về dân tộc nên khi các Bộ, ngành xây dựng và triển khai chính sách rất khó thực hiện, chỉ có thể khoanh vùng thụ hưởng mà không thể xác định đối tượng dân tộc cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cơ sở dữ liệu về các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn Đề án lần này sẽ xác định rõ khái niệm chính sách dân tộc, làm rõ nội dung Quốc hội quyết định chính sách dân tộc là quyết định những vấn đề gì. Theo đó, Quốc hội phải quyết định các chính sách dân tộc cơ bản của Nhà nước và một số chương trình, dự án lớn liên quan đến chính sách dân tộc và vùng dân tộc thiểu số; quyết định các chỉ tiêu phát triển cơ bản của vùng dân tộc thiểu số 5 năm, 10 năm và cụ thể hóa các chỉ tiêu đó vào kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước. Cùng với đó là quyết định ngân sách thực hiện chính sách dân tộc, bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện chính sách dân tộc đã ban hành; tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, tăng cường trách nhiệm và thống nhất giải quyết những vấn đề vướng mắc, trở ngại bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, Đề án này hướng đến là đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng yếu thế nhất. Do đó, khi xây dựng Đề án sẽ có đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của chính sách dân tộc hiện hành đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc, làm sao hoàn thiện Đề án với tính khả thi và hiệu quả cao nhất./.
Bảo Yến