23/04/2016
Cách đây 40 năm, vào ngày 25 tháng 04 năm 1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 7/5/1975
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”[1]. Để thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu nhân dân hai miền Nam– Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị để bàn về thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước (tháng 11/1975). Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định “cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”[2].
Cổ động bầu cử Quốc hội thống nhất ở tỉnh Hoàng Liên Sơn, tháng 4/1976
Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 03/01/1976, qua đó xác định rõ những nguyên tắc của cuộc bầu cử. Chỉ thị nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam”[3]. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.
Để cụ thể hóa Chị thị của Bộ chính trị và tạo cơ sở cho việc tổ chức cuộc bầu cử, ở miền Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội vào ngày 20 tháng 2 năm 1976. Việc giới thiệu những người ra ứng cử và lập danh sách cử tri được thực hiện một cách dân chủ, rộng rãi theo đúng quy định của pháp lệnh này. Trong khi đó, ở miền Bắc, việc giới thiệu những người ra ứng cử được áp dụng theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13 tháng 01 năm 1960. Việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri ở các khu vực bầu cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai và dân chủ để cử tri trao đổi ý kiến, tự mình lựa chọn bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.
Bí thư thứ nhất TƯ Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 4/1976
Sau quá trình chuẩn bị, đã xác định có tổng cộng 605 người ứng cử đại biểu Quốc hội trên cả nước trong cuộc bầu cử này. Đó đều là những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và sản xuất, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, tư sản dân tộc, đại biểu dân tộc thiểu số, các tôn giáo.
Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức vào ngày 25 tháng 04 năm 1976. Nhân dân ta bước vào cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi to lớn đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam. Bên cạnh những mặt thuận lợi, cuộc tổng tuyển cử cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhân dân ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Ở miền Nam, những tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vẫn còn những hoạt động phá hoại của các thế lực phản động dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang. Tình hình đó đòi hỏi phải ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, động viên tinh thần yêu nước, bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử.
Quốc hội biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất, ngày 2/6/1976
Ngày 25 tháng 4 năm 1976, với không khí là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam, trên 23 triệu cử tri trên cả nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam là 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 đại biểu Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo[4]. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà. Điều đó được thể hiện qua một số điểm nổi bật như sau:
Một buổi thảo luận tổ của đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai – Kon Tum tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, tháng 6/1976
Trước hết, kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Nếu cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội khóa I năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất nước nhà. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, là thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ.
Thứ hai, kết quả của cuộc bầu cử còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không lay chuyển nổi về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây còn là bằng chứng về sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, quyết tâm đánh và đánh thắng mọi thế lực phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã nhiều năm vun đắp.
Thứ ba, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không những đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài, mà còn là tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Thắng lợi này có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.
Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp mới, tháng 12/1980
Thứ tư, kết quả cuộc tổng tuyển cử đưa đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI- Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quốc hội khóa VI đã tiếp tục thực hiện trọng trách to lớn của mình trong việc thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Với mục tiêu thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, Hiến pháp 1980, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, tự do; thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, hoàn thành tốt các chức năng được giao theo quy định của Hiến pháp năm 1980 gồm lập hiến, lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hoá, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
* * *
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Kỷ niệm 40 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976– 25/4/2016) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất và sự ra đời của Quốc hội khóa VI (1976) là một trong những thành quả cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta. Đó là sự tiếp nối thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam vào năm 1946 và những kỳ bầu cử tiếp theo. Kế thừa truyền thống đó, cho đến nay, Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những kinh nghiệm trong các kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước đây là những bài học quý giá để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016– 2021 tới đây đi đến thành công. Ôn lại những chặng đường lịch sử vừa qua, nhân dân ta càng thêm tự hào và nhận thức sâu sắc về giá trị và ý nghĩa to lớn của mỗi lá phiếu bầu để sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, thay mặt nhân dân thực hiện những nhiệm vụ to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của đất nước./.
Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
[1]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2004, t.36, tr.395.
[2]. Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21/11/1975.
[3]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.2.
[4]. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Văn kiện Quốc hội toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.17.