ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP, SẮP XẾP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC TỈNH HẢI DƯƠNG

11/09/2019

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình

Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 1.668,20 km2, dân số 1.812.082 người, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 02 thành phố (thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh) và 10 huyện (huyện: Cẩm Giàng, Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Bình Giang, Kinh Môn và huyện Thanh Miện); có 264 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 220 xã, 31 phường, 13 thị trấn). Huyện Kinh Môn có 165,33 km2 (16.533,55 ha) diện tích tự nhiên, dân số: 203.638 người. Toàn huyện có 25 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 03 thị trấn và 22 xã).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, UBND tỉnh Hải Dương đã tiến hành rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn, trong đó có các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Kinh Môn. Theo đó, huyện Kinh Môn có các xã Phạm Mệnh, Thái Sơn, Phúc Thành, Quang Trung đều chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù, các xã trên đều không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định (04 xã đều đạt trên 50% cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số).

Tuy nhiên tỉnh Hải Dương đã chủ động sắp xếp 04 xã này, với phương án như sau: Nhập xã Phạm Mệnh và xã Thái Sơn để thành lập phường Phạm Thái (lấy tên chung của 2 xã sau khi sắp xếp); nhập xã Phúc Thành và xã Quang Trung để thành lập xã Quang Thành (lấy tên chung của 2 xã sau khi sắp xếp).Việc sắp xếp các đơn vị hành chính nêu trên đảm bảo sự tương đồng về các yếu tố: truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt hơn và được đa số ý kiến người dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Về việc thành lập thị xã Kinh Môn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Kinh Môn nằm giữa trung tâm tam giác kinh tế nối liền các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Theo quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3 cụm đô thị là động lực phát triển kinh tế của tỉnh bao gồm: Thành phố Hải Dương - hành lang Quốc lộ 5, Chí Linh - Kinh Môn, cụm Thanh Miện và khu vực phía Nam tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kinh Môn giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, đô thị Kinh Môn được định hướng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng Đông Bắc của tỉnh Hải Dương với vùng Đông Bắc Bộ và vùng Thủ đô. Trên địa bàn huyện hiện có những cơ sở sản xuất quy mô lớn cấp Quốc gia như: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy xi măng Phúc Sơn, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát và có 04 cụm công nghiệp Hiệp Sơn, Phú Thứ, Duy Tân, Long Xuyên. Ngành du lịch cũng có sự tăng trưởng khá theo từng năm với các điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Động Kính Chủ, Đền Cao An Phụ, chùa Nhẫm Dương, chùa Hàm Long, động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít, các hoạt động tham quan làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ…. đã và đang từng bước tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu nhập thường xuyên cho người lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, theo kết quả thống kê năm 2018, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 43.612,60 tỷ đồng, trong đó: công nghiệp xây dựng đạt 38.125 tỷ đồng chiếm 87,42%; thương mại - dịch vụ và du lịch đạt 3.374,80 tỷ đồng chiếm 7,74%; sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 2.112,80 tỷ đồng chiếm 4,84%. Do vậy, việc thành lập thị xã Kinh Môn thuộc tỉnh Hải Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của huyện Kinh Môn là phù hợp với các quy định hiện hành... đáp ứng nguyện vọng và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận

Về việc thành lập các phường thuộc thị xã Kinh Môn, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, huyện Kinh Môn hiện có 25 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 03 thị trấn và 22 xã. Trong số các đơn vị hành chính trực thuộc nêu trên, các thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân và các xã: Long Xuyên, Hiệp An, Hiến Thành, Thái Thịnh, An Phụ, Hiệp Sơn, An Sinh, Phạm Mệnh, Thái Sơn, Thất Hùng, Duy Tân và Tân Dân đã có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ; phát triển mạnh các ngành nghề kinh doanh - thương mại, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn các xã chiếm trên 70%. Tổng thu ngân sách hàng năm của các xã đều đạt và vượt chỉ tiêu của huyện giao, góp phần bổ sung ngân sách cho huyện; công tác văn hóa - xã hội trên địa bàn các xã có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; công tác giảm nghèo được quan tâm chú trọng; giáo dục, y tế ngày một phát triển đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (nhưng tăng 1 thị xã và giảm 1 huyện); có 262 (giảm 02) đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 207 xã, 45 phường, 10 thị trấn (giảm 3 thị trấn, 13 xã và tăng 14 phường). Thị xã Kinh Môn không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số nhưng thay đổi về số đơn vị hành chính cấp xã; có 23 đơn vị (giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã). Cụ thể: gồm 14 phường (An Lưu, Phú Thứ, Minh Tân, Long Xuyên, Hiến Thành, Thái Thịnh, An Phụ, Hiệp An, Hiệp Sơn, An Sinh, Thất Hùng, Duy Tân, Phạm Thái và Tân Dân) và 9 xã (Hoành Sơn, Bạch Đằng, Lê Ninh, Hiệp Hòa, Thượng Quận, Lạc Long, Thăng Long, Quang Thành và Minh Hòa).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương như đề xuất tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, căn cứ vào Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã rà soát, đối chiếu, đánh giá toàn bộ tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Kết quả rà soát cho thấy, không có trường hợp nào chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thuộc diện phải tiến hành sắp xếp ngay trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 theo yêu cầu của Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ và UBND tỉnh Hải Dương đã chủ động đề xuất nhập xã Phạm Mệnh và xã Thái Sơn, nhập xã Phúc Thành và xã Quang Trung để thành lập 02 đơn vị hành chính cấp xã mới thuộc huyện Kinh Môn, qua đó giảm được 02 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là việc làm đáng biểu dương, phù hợp với chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật. Việc nhập các xã nói trên không phải xét đến các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211. Bên canh đó, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập thị xã theo quy định (gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Chi tiết xin xem tại Báo cáo đầy đủ). Thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân và 11 xã: Long Xuyên, Hiến Thành, Thái Thịnh, An Phụ, Hiệp An, Hiệp Sơn, An Sinh, Thất Hùng, Duy Tân, Tân Dân và Phạm Thái thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định (gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Chi tiết xin xem tại Báo cáo đầy đủ).

Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc thành lập thị xã Kinh Môn và các phường thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đẫ bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật. Hồ sơ Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ và hợp lệ. Trình tự, thủ tục lậpvĐề án đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. Kết quả lấy ý kiến cử tri về Đề án đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo đúng quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về việc thực hiện các quy định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh Hải Dương và huyện Kinh Môn; cung cấp thêm thông tin về giải pháp đầu tư, xây dựng các công trình để bảo đảm chất lượng đô thị, tăng cường tính kết nối với khu vực lân cận của thị xã Kinh Môn và các phường sau khi được thành lập. Đồng thời, đề nghị báo cáo thêm về tình hình ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất trên địa bàn và các giải pháp khắc phục; về việc di dời, bố trí tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ý kiến khác đề nghị giải trình rõ hơn về sự hợp lý của một số số liệu về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thị xã Kinh Môn và về một số chi tiết trong các bản đồ kèm theo Đề án.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn và Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Kinh Môn và Viện kiểm sát nhân dân huyện Kinh Môn và quy định nội dung này ngay trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Kinh Môn và các phường thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trong thời gian tới, Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện hồ sơ Đề án để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Thu Phương- Trọng Quỳnh