SỬA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG PHẢI THỰC SỰ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NHỮNG VƯỚNG MẮC CỦA LUẬT.

22/02/2019

Sáng ngày 21/02, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật phải thực sự giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư công mà nguyên nhân do Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công 

Trình bày báo cáo phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thảo luận tại kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các vấn đề vướng mắc, sửa đổi Luật Đầu tư công toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thống nhất tên gọi của Luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị nên tập trung vào sửa đổi một số điều cần thiết và lấy tên là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công”...

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, qua giám sát, nghiên cứu các ý kiến đại biểu Quốc hội, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương thì vấn đề quan trọng là việc sửa đổi phải tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc, phù hợp với thực tiễn. Dự án Luật đã sửa nhiều nội dung về khái niệm, giải thích từ ngữ; đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành với số lượng các điều phải sửa đổi, bổ sung, loại bỏ chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc đã và đang phát sinh trên thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi của Luật, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật là “Luật Đầu tư công (sửa đổi)”.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội sửa đổi 69 điều, bỏ 6 điều nhưng đánh giá tác động chưa kỹ, đến nay chưa có thuyết minh bổ sung mặt tiêu cực, tích cực và tính khả thi của các chính sách sửa đổi và lại bổ sung, sửa đổi thêm. Do đó, đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung vướng mắc trong thực tế và đã đánh giá kỹ tác động, những nội dung không có vướng mắc hoặc chưa đánh giá kỹ tác động thì không sửa đổi, tránh việc khi áp dụng phát sinh vướng mắc, khó khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề đặt ra là sửa Luật phải giải quyết được những khó khăn ách tắc của Luật, phải sửa chỗ nào bất hợp lý và không để sửa xong mà Luật vẫn tiếp tục bất cập. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Luật phải giải quyết được một số vấn đề trong thực tiễn đầu tư công hiện nay

Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng khi ban hành Luật phải đáp ứng thực tiễn liên quan đến các dự án đầu tư công nổi lên hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng và các vụ án thời gian qua cho thấy đại đa số các dự án đầu tư công được đánh giá là chất lượng tốt nhưng nổi lên một số dự án xuống cấp rất nhanh; thời hạn chậm tiến độ; một số vụ án chứng minh rằng thất thoát lãng phí trong các dự án đầu tư công rất lớn và nguy cơ tham nhũng trong khu vực các dự án đầu tư công này khá lớn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, từ những vấn đề nổi lên đối với các dự án đầu tư công thời gian qua thì khi sửa luật này phải hết sức chú ý, xem xét những nội dung nào của luật dẫn đến thực trạng này.

Bên cạnh đó, bày tỏ băn khoăn về đời sống của Luật Đầu tư công quá ngắn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị hết sức cân nhắc, sửa những gì đáp ứng yêu cầu thực tế, những gì gây vướng mắc, trên cơ sở đó mới xác định được là Luật sửa đổi hay sửa đổi, bổ sung một số điều. 

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng vấn đề là sửa gì để thúc đẩy sự phát triển, thúc đẩy đầu tư công hiệu quả và tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời phải tính đến sự ổn định có tính tương đối lâu dài, tránh việc sửa xong sẽ xuất hiện vấn đề phức tạp mới, đụng chạm đến hệ thống pháp luật. Do đó, phải tính toán kỹ, để khi sửa Luật sẽ thực sự thúc đẩy, thực sự tháo gỡ những vấn đề đang vướng, nhưng vẫn bảo đảm ổn định, không làm phát sinh chồng chéo, thiếu thống nhất với các luật khác, nhất là luật mới ban hành trong nhiệm kỳ này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý sửa Luật để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc sửa đổi phạm vi và tên gọi tùy thuộc vào quá trình rà soát lại Luật, với tinh thần tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy sự phát triển, hạn chế tối đa việc sửa các điều thấy chưa cần thiết hoặc làm phá vỡ hệ thống pháp luật./.

 

Bảo Yến