RÀ SOÁT LẠI CÁC QUY ĐỊNH TẠI MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT ĐỂ ĐẢM BẢO RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ, KIỂM TOÁN VÀ THANH TRA

21/02/2019

Thảo luận tại phiên họp thứ 31 về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế.

Toàn cảnh phiên họp 

Trình bày báo cáo Một số vấn đề lớn về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tìa chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đối với các quy định về nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong quản lý thuế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách(TTUBTCNS) và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu như sau: Bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế như: trách nhiệm của Bộ Công thương liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong phối hợp với cơ quan quản lý thuế, nhượng quyền thương mại và các hoạt động liên quan; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan; sửa đổi quy định về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc thẩm định dự án đầu tư để xác định giá trị đầu tư của dự án, làm căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, thay cho nhiệm vụ “Phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế” đã được quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Nội dung cụ thể thể hiện tại Điều 15 của dự thảo Luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước (Điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra nhà nước  (Điều 22), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22 theo hướng Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan Thanh tra nhà nước ban hành theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra.

Vấn đề này, TTUBTCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu như sau: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 7 của Luật Kiểm toán nhà nước về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán và Điều 9, Điều 10 của Luật Thanh tra về trách nhiệm của cơ quan thanh tra, TTUBTCNS và Cơ quan soạn thảo tiếp thu, chính lý khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật theo hướng, cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra ban hành và bỏ khoản 3 Điều 110 và khoản 3 Điều 119 của dự thảo Luật trình Quốc hội. Đồng thời, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, TTUBTCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất sửa đổi theo hướng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra thì thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra và Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Nội dung này được thể hiện tại Điều 20 và 21 của dự thảo Luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến

Thảo luận tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, cử tri đặt câu hỏi là hiện tượng thất thu thuế tại các trạm BOT vừa qua trong việc chậm triển khai thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong thời gian vừa qua, về giám sát hoạt động của các công trình, dự án BOT có nêu rất rõ đến năm 2019 phải hoàn thành việc thu phí không dừng ở các trạm BOT. Ở khoản 8 Điều 15 nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cung cấp thông tin về tiêu chí kỹ thuật. Bộ Tài chính thay mặt nhà nước quản lý nhà nước. Tuy nhiên hiện nay không quản lý được một cách công khai, minh bạch lượng xe qua, doanh thu, từ đó là thất thu thuế thì trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính hay Bộ Giao thông vận tải, trong luật này không nêu rõ. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra rằng, nếu nêu trách nhiệm thì soi vào luật này không thấy được trách nhiệm thuộc bộ này một cách chính xác, thực ra trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Bộ Giao thông do chậm tiến độ đó nhưng ở đây trách nhiệm quản lý nhà nước là của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, theo Trưởng Ban Dân Nguyện, Dự luật sửa đổi có bổ sung thêm Điều 10 quy định về trách nhiệm của cán bộ quản lý thuế. Tuy nhiên, nghiên cứu Điều 10 thì nó không có gì mới, ngoài các việc đều phải thực hiện theo các quy định của pháp luât. Riêng ngành quản lý thuế, bây giờ thêm chức năng tư vấn về khoanh nợ, xóa nợ và hạn mức cao như vậy thì cần đưa ra những đặc thù. Ví dụ, thường xuyên phải luân chuyển cán bộ làm công tác khoanh nợ, xóa nợ ở những địa bàn khác nhau. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tăng cường hơn nữa để tránh nguy cơ tham nhũng, các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát lại các quy định tại Điều 21 và Điều 22 để đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân cũng như rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, Kiểm toán và Thanh tra, phải đảm bảo đúng trách nhiệm từng cơ quan một. Nếu Kiểm toán vào trực tiếp thì Kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước kết luận đó với tổ chức cá nhân, nhưng nếu qua cơ quan Thuế thì Kiểm toán phải có trích lục để cơ quan Thuế lấy cơ sở thông báo cho tổ chức cá nhân đó. Khi có khiếu kiện phải phối hợp với nhau để xử lý khiếu kiện đối với tổ chức, cá nhân đảm bảo tính công bằng, tránh gây áp lực hoặc khó khăn cho tổ chức và cá nhân./.

 

Hồ Hương