MỘT SỐ HÌNH ẢNH PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC TẠI PHIÊN HỌP THỨ 26 CỦA UBTVQH

13/08/2018

Sáng ngày 13/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến có trách nhiệm trả lời về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao.

Tham gia tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/8:

Toàn cảnh phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/8

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên chất vấn.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp và được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến báo cáo một số nội dung về tình hình thực hiện chính sách dân tộc.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nêu rõ, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc miền núi? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời câu hỏi trên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đưa ra một số giải pháp như: phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thông tin; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư; tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về giáo dục khu vực miền núi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Chính phủ quan tâm, thông qua Nghị định mà bộ tham mưu là Nghị định 06 cấp tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, giáo viên dạy tích hợp các môn được hỗ trợ tiền; gần đây có chương trình về mục tiêu giáo dục miền núi...

Các đại biểu đặt câu hỏi thông qua hệ thống trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề giải quyết việc làm cho con em dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: sau khi họp Quốc hội, Bộ tăng cường liên kết các trường nghề với doanh nghiệp. Trước hết hiện có 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp cho việc đi lại khó khăn gây hạn chế đồng bào phát triển kinh tế xã hội và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua Bộ thực hiện phát triển đường giao thông nông thôn kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu câu hỏi chất vấn: Dự án di dân tái định cư và giữ gìn tập quán văn hoá của đồng bào đặt ra một số mâu thuẫn. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào? 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ, việc di dân tái định cư để xây dựng công trình quốc gia là việc tất yếu, mong muốn đồng bào ủng hộ, quốc gia có nguồn lực mới đầu tư trở lại được. Di dân tái định cư nhưng phải giữ gìn bản sắc văn hoá tốt đẹp. Không phải chỉ giữ tiếng nói, trang phục mà cao hơn là giữ hồn cốt của người dân tộc là sự thật thà, chịu thương chịu khó.

Trả lời câu hỏi liên quan đến công tác dân tộc Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nhà nước có nhiều quan tâm và có nhiều chính sách, thể hiện các chính sách ban hành rất nhiều. Giai đoạn 2011-2015 có 181 chính sách, ở 264 văn bản. Giai đoạn 2016-2020 hiện nay trừ đi số chương trình đã kết thúc và cộng với chương trình ban hành mới thì còn 116 chính sách.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kinh phí thường xuyên cho vùng đồng bào đã được ưu tiên, đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, cần tiếp tục ưu tiên trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình gửi lời cảm ơn trân trọng tới Quốc hội đã quan tâm chất vấn thành viên Chính phủ về lĩnh vực thực hiện chính sách dân tộc; tiếp thu ghi nhận ý kiến đối với Chính phủ trong xây dựng và thực hiện chính sách này. 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: có 33 ý kiến chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và các thành viên Chính phủ khác. Qua chất vấn và ý kiến trả lời chất vấn, giải trình tiếp thu, phiên chất vấn đạt kết quả đề ra. 

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức