BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC ĐỖ VĂN CHIẾN BÁO CÁO MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

13/08/2018

Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến báo cáo một số vấn đề

Giai đoạn 2016-2018, Ủy ban Dân tộc được giao quản lý, thực hiện 20 đề án, chương trình, chính sách

Báo cáo một số nội dung về tình hình thực hiện chính sách dân tộc tại phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các Bộ ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 chương trình, chính sách, được thể chế qua 55 văn bản : Gồm 10 Nghị định và 03 Nghị quyết của Chính phủ và 42 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách dân tộc tương đối toàn diện trên các lĩnh vực như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020…

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, nội dung các chính sách giai đoạn 2016 - 2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục đào tạo. Trong giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết khó khăn, bức xúc của người nghèo vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn như: Chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số(DTTS) di cư tự do, phát triển kinh tế - xã hội cho các DTTS rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các DTTS, người có uy tín trong đồng bào DTTS; tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật .

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, khắc phục tình trạng chính sách dân tộc hiện còn chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, phân tán nguồn lực, khó khăn trong chỉ đạo thực hiện; Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành tích hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn thành các chương trình, chính sách lớn nhằm tập trung nguồn lực, đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đến nay chỉ còn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu. Các Bộ, ngành đã tiến hành rà soát, đề xuất tích hợp, sửa đổi, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản hướng dẫn theo hướng giảm bớt số lượng văn bản, tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp. Trong 03 năm đã tích hợp, sửa đổi, bãi bỏ và ban hành mới với tổng số 29 văn bản chính sách

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ, giai đoạn 2016-2018, Ủy ban Dân tộc được giao quản lý, thực hiện 20 đề án, chương trình, chính sách. Kinh phí nhà nước đã cấp để thực hiện 14 chương trình đạt khoảng 56% nhu cầu vốn; đặc biệt 2 chính sách rất quan trọng nhằm giải quyết những khó khăn bức xúc nhất cho đồng bào DTTS chưa được bố trí vốn thực hiện, đó là: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chính sách dân tộc hiện nay vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, mang tính nhiệm kỳ      

Đánh giá về các chính sách dân tộc, Bộ tưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực, bao phủ địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn nhưng các chính sách dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, với ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Các chính sách giai đoạn này tập trung vào thực hiện 3 khâu đột phá Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các vấn đề về bảo vệ môi trường, đào tạo nghề - phát triển cán bộ DTTS, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm nhiều hơn. Hệ thống chính sách dân tộc đã có sự đổi mới, từng bước đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội tại vùng DTTS, nhu cầu, nguyện vọng của người dân: Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp mạnh cho địa phương, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực; từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay. Từng bước khắc phục được tính chồng chéo, trùng lắp, giảm đầu mối văn bản thông qua việc tích hợp, lồng ghép các chính sách có cùng đối tượng, mục tiêu trên cùng địa bàn. Đây cũng là vấn đề đang được Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành triển khai tích cực, có hiệu quả.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết thêm, các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương. Một số tỉnh ban hành đề án, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề thực hiện các chính sách dân tộc về giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển làng nghề và du lịch, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội chung của vùng…. Phần lớn các địa phương đã đưa chỉ tiêu về giảm nghèo vùng DTTS vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, xây dựng giải pháp cụ thể và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng nhận định, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay cũng bộc lộ các hạn chế như: Hệ thống chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Việc xử lý chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính  chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào DTTS, phát triển thiếu bền vững. Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu sô và miền núi. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập. Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện. Việc phân công, phân cấp thẩm quyền về quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực phụ trách và địa bàn để thực hiện các chương trình, dự án khác nhau có mục tiêu, tiêu chí riêng nên rất khó khăn trong việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đã dẫn đến sự phân tán, thiếu thống nhất trong quản lý, điều phối, giám sát, đánh giá, xây dựng định mức, phân bổ, lồng ghép chính sách và nguồn lực. Đây là những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, điều chỉnh trong hệ thống chính sách giai đoạn tới./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh