• Tin hoạt động Quốc hội
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT CHĂN NUÔI

    10/08/2018

    Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 26, sáng ngày 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm định và cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Chăn nuôi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

    Tại phiên họp, Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban KH,CN&MT) đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chăn nuôi. Theo đó, Dự thảo Luật đã được bổ sung 01 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; bổ sung quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; bổ sung quy định về phúc lợi cho vật nuôi và chăn nuôi động vật khác; bổ sung quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm ATTP và bảo vệ môi trường (BVMT). Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi (Điều 5), KH&CN chăn nuôi (Điều 6), cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi (Điều 8); chỉnh sửa quy định hợp tác quốc tế về chăn nuôi (Điều 7). Sau khi chỉnh sửa, Dự thảo Luật mới gồm 06 chương 80 điều, giảm 02 chương, tăng 15 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp 5. 

    Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp

    Cho ý kiến Về phúc lợi cho vật nuôi 

    Tiếp thu ý kiến ĐBQHvề “quyền vật nuôi” còn chưa đầy đủ, khái niệm “đối xử nhân đạo với vật nuôi” còn mang tính trìu tượng, chưa bao quát hết được vấn đề. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã cùng với Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia và nhận thấy nhiều quốc gia đã luật hóa nội dung này. Do đó, Dự thảo Luật bổ sung khoản 25, Điều 2 về “phúc lợi cho vật nuôi” và bổ sung quy định bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng, không đánh đập, hành hạ trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, không gây đau đớn, sợ hãi, phải gây ngất trước khi giết mổ. 

    Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

    Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu ko tán thành việc dùng từ “Phúc lợi cho vật nuôi”. Theo Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định: “Phúc lợi xã hội là một bộ phận của thu nhập quốc dân, được dùng để làm thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần của người dân trong xã hội”. Do đó việc áp dụng từ "Phúc lợi cho vật nuôi" là không hợp lý. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, Tại mục 4 cần sửa từ "Phúc lợi với vật nuôi" thành "Đối xử nhân đạo với vật nuôi". Các điều từ 66 đến điều 69 bỏ "phúc lợi" thay bằng từ "bảo đảm".

    Cho ý kiến về Quản lý nhà nước về chăn nuôi

    Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng tại điều 77: trong dự thảo Luật chỉ có quy định Trách nhiệm của UBND các cấp chứ chưa đề cập đến quy đinh trách nhiệm của các thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ để luật hoá rõ thêm điều này, đồng thời chỉ ra dự thảo Luật chưa đề cập đến việc xử lý dịch bệnh, dập dịch. Các chính sách hỗ trợ khi xảy ra dịch. Khi xảy ra dịch bệnh đâu là trách nhiệm nhà nước, đâu là trách nhiệm của địa phương cũng cần phải được phân định rõ và cụ thể trong luật.

    Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo rà soát lại những quy định trong dự thảo luật liên quan đến trách nhiệm của UBND các cấp vì tại khoản 1, điều 77 quy định UBND các cấp có trách nhiệm “Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; thẩm định, cấp phép đầu tư cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”,  điều này là chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013.

    Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

     

    Cho ý kiến Về điều kiện cơ sở chăn nuôi

    Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đưa ra số liệu: Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình và 23 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung, chăn nuôi lợn là chủ yếu. Mỗi năm có khoảng  84,5 triệu tấn chất thải rắn và 54 triệu m3 chất thải lỏng thải ra môi trường. Trong đó chỉ có 60% được xử lý. 40 % thải trực tiếp ra môi trường. Trong dự thảo luật chỉ có 1 điều quy định chất thải chăn nuôi trong nông hộ, như vậy là quá ít và chưa rõ ràng. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội  đề nghị cần có điều quy định chi tiết cụ thể hơn nữa về xử lý thất thải trong chăn nuôi, nhất là nông hộ, hộ gia đình.

    Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phòng chống rét đậm, rét hại tại Điều 66. Cần có quy định chính sách cụ thể đối với vật nuôi và biến đổi khí hậu Bởi vì trong những năm qua, rét đậm, rét hại đã gây ra thiệt hại lớn đối với gia súc, gia cầm của nhiều địa phương. 

    Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên họp 

    Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp thu hoàn thiện báo cáo với tinh thần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật, có tính khả thi cao để khi luật thông qua có thể dễ dàng đi vào đời sống. Phó Chủ tịch yêu cầu, sau khi Ban soạn thảo hoàn chỉnh  luật, cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến đại biểu quốc hội./.

    Thanh Hải - Nhóm Ảnh