MỘT SỐ HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 4 CỦA QUỐC HỘI

15/05/2018

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 24, sáng ngày 15/5, tại Phòng họp Tân Trào - Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ cơ bản thống nhất với đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan Quốc hội.

Theo đó, 100% ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được nghiên cứu tiếp thu và giải quyết. Trong tổng số 1.993 kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã nghiên cứu giải quyết xong đối với 162 kiến nghị; giải trình, cung cấp thông tin đối với 1.474 kiến nghị; còn lại 357 kiến nghị hiện nay đang trong quá trình giải quyết.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội:

Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về
báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát
việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 tại Phiên họp

Về công tác PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, 

nếu cơ quan có thẩm quyền giải quyết quan tâm hơn tới phản ánh của cử tri thì có thể hạn chế được những vụ việc như thời gian vừa qua...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mặc dù Báo cáo rất chi tiết nhưng phải khái quát lại xu hướng dịch chuyển

của các lĩnh vực trong thời gian vừa qua là như thế nào? là những vấn đề cũ hay xuất hiện những vấn đề mới?

Qua số liệu thống kê kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ

 được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng: đây là số liệu rất đáng quan tâm...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Bình đề nghị Báo cáo cần tập trung vào 4 vấn đề: Một là vấn đề ban hành các văn bản pháp luật. Sau khi Quốc hội đã ban hành luật rồi thì các ban, ngành triển khai các văn bản dưới luật như thế nào, chất lượng ra sao?. Hai là vấn đề giải quyết các kiến nghị và khiếu nại, quy trình đang giải quyết như thế nào, chất lượng ra sao? Ba là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vấn đề vi phạm theo phản ánh và cung cấp thông tin. Bốn là giải quyết các vấn đề đặt ra và lưu ý những tồn tại trong báo cáo lần trước thì lần này giải quyết như thế nào?

Đánh giá cao Báo cáo của Ban Dân nguyện với nội dung thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng nên viết và cố gắng nâng tầm để trở thành một bản Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, với tư cách chủ thể báo cáo là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung báo cáo là kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri thì kết cấu, tư cách chủ thể và cách trình bày cũng cần chỉnh sửa lại cho hợp lý hơn.

Các đại biểu, khách mời tham dự Phiên họp

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Báo cáo. Sau khi hoàn thiện xong gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để trở thành Báo cáo chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung này sau khi xin ý kiến xong sẽ trình ra Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Quang Minh