Khai mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

10/08/2017

Sáng 10/8, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 13 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp sẽ kéo dài trong 7 ngày làm việc, từ ngày 10/8 đến ngày 18/8 với nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Theo dòng sự kiện

Khai mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV                   Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tập trung vào các vấn đề:

Thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 4 Dự án Luật đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi); cho ý kiến đối với 5 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Luật Hành chính công; cho ý kiến về tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân tối cao trên phạm vi cả nước; về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân; về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016”.

Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; về việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chính phủ năm 2017 và về việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016.

Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT)”.

Thứ tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề về: Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý, sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoach phát triển gắn với giao thông đô thị. Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; các bộ, ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Chương trình Phiên họp được bổ sung 5 nội dung gồm: 2 nội dung có liên quan đến ngân sách Nhà nước, 2 nội dung liên quan đến vấn đề của Tòa án nhân dân và 1 nội dung liên quan đến công việc của Viện kiểm sát nhân dân theo đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Ủy ban có liên quan; rút hai nội dung là Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao do Chính phủ chưa kịp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình.

Ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

+ Trước đó, hưởng ứng phát động của Đảng ủy, Công đoàn Văn phòng Quốc hội, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành quyên góp ủng hộ đồng bào Tây Bắc bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho chính quyền, nhân dân các tỉnh khu vực Tây Bắc. Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng đoàn công tác của Quốc hội đã đi kiểm tra, thị sát tình hình, động viên, chia sẻ khó khăn với đồng bào, chính quyền địa phương, đặc biệt là những gia đình bị thiệt hại về người và tài sản tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội quyên góp ủng hộ đồng bào Tây Bắc

Trước những mất mát, đau thương mà đồng bào các tỉnh Tây Bắc phải gánh chịu, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, thay mặt Đảng ủy, Công đoàn Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại với toàn thể công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội, Văn phòng các Đoàn đại biểu Quốc hội với mức quyên góp mỗi người tối thiểu một ngày lương. Ngay sau khi phát động, Đảng ủy, Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã quyên góp được hơn 250 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng núi Tây Bắc bị thiệt hại bởi mưa lũ.

Quang Minh

Các bài viết khác