Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

15/03/2017

Sáng 15/3, trong chương trình phiên họp thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi). Đảm bảo an toàn đường sắt là vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật đường sắt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên có một chương riêng quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt để phân định rõ hơn quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh đường sắt của doanh nghiệp, khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường sắt; đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước về đường sắt ở trung ương, ở địa phương.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban KH,CN&MT đã rà soát Dự thảo Luật, chuyển các Điều quy định nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đang nằm rải rác trong Dự thảo Luật (từ Điều 8 đến Điều 12 Dự thảo Luật Chính phủ trình) thành 01 chương riêng (Chương IX “Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt”); đồng thời chỉnh sửa, bổ sung các quy định này để bảo đảm rõ ràng, tránh việc nhầm lẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình thi hành Luật.

Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ thêm về vấn đề trách nhiệm của chính quyền và trách nhiệm của ngành đường sắt trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, thực tế trong nhiều năm nay các vụ tai nạn với đường sắt liên tục xảy ra; đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo rõ hơn về việc hiện nay số đường ngang dân sinh được mở và thực trạng thời gian vừa qua; trách nhiệm thuộc cơ quan nào và có vướng gì đến luật không, do bản thân luật hay do quản lý nhà nước? Nếu do quản lý nhà nước để cho khoảng gần 6000 đường ngang dân sinh mở ra thì trách nhiệm thuộc về ai và luật này có giải quyết dứt điểm được vấn đề này không?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải rà soát lại xem trong 5 năm qua xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn ở nút giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, cụ thể ở nút giao cắt nào. Dự thảo nên quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban các cấp về việc mở đường dân sinh. Đồng thời, Nhà nước phải có tuyên bố trong các hành vi cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ, xử lý từ hành chính, kỷ luật đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Luật này phải có một bước tiến bộ hơn nữa để giải quyết cho được những đường dân sinh trái phép. Nếu nói nhu cầu đi lại giữa vùng có đường sắt chạy qua thì Nhà nước phải tính để có kế hoạch đầu tư. Nếu không đi qua khu dân cư thì không tính, nếu đường dân sinh đã trở thành một tuyến đi không thể xóa được thì phải có giải pháp vì hiện nay tai nạn chủ yếu xảy ra những nơi đi trái phép. Bây giờ nhà nước ban hành luật thì nhà nước phải xử lý bất cập này, luật này phải nghiêm cấm việc mở đường dân sinh trái phép.

Mặc dù trong Luật đường sắt nói cấm mở đường ngang dân sinh, nhưng nếu không gắn với trách nhiệm và một chế tài xử phạt rất nghiêm thì sẽ không bao giờ thực hiện đúng pháp luật về đường sắt. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Luật này phải gắn với trách nhiệm, không phải chỉ có ngành giao thông, không phải chỉ có ngành đường sắt mà trách nhiệm của các địa phương có đường sắt đi qua, “phải làm mạnh, phải xử lý mạnh”. Nơi nào để mở đường dân sinh trái phép thì phạt như thế nào? Mở đường dân sinh trái phép mà để xảy ra tai nạn tùy mức độ, mới thực hiện nghiêm.

Kết luận tại phiên họp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, luật cần phải có những quy định hết sức nghiêm ngặt về mặt tiêu chí, các điều cấm, việc mở các đường ngang cũng như trách nhiệm xử lý để khắc phục cho được tình trạng mất an toàn như vừa qua, nhất là tình trạng các đường ngang. Đặc biệt trong Điều 17 dự thảo Luật phải được rà soát lại và nêu rất rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu ai mở đường ngang bất hợp pháp để gây ra tai nạn thì không chỉ là trách nhiệm về quản lý nhà nước mà trách nhiệm của những người trực tiếp hoặc có những tiêu chí rất cụ thể. Ví dụ cần phải có những quy định rất cụ thể một xã, một khu dân cư, một thị trấn chỉ có bao nhiêu đường ngang. Bên cạnh đó, các điều khoản về các hành vi bị cấm và các tiêu chí đường cao tốc, đường sắt bình thường qua dân cư, qua khu vực các xã đều phải có quy định rất cụ thể.

Đặng Mai