• Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

    10/01/2017

    Chiều 10/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp                                        Ảnh: Đình Nam

    Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 74 điều, bổ sung 2 điều mới: Điều 48a về sử dụng tiền chất thuốc nổ và Điều 59a về trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

    Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Về giải thích từ ngữ (điều 3), nhiều ý kiến đề nghị định nghĩa vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tính năng, tác dụng, cách nhận biết hoặc chỉ nêu khái niệm, không nên liệt kê cụ thể loại vũ khí, đồng thời ban hành danh mục cụ thể kèm theo Luật này hoặc giao Chính phủ quy định. Có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mới xuất hiện, các bộ phận của vũ khí có tác dụng tương tự.

    Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần giải thích rõ hơn về việc nổ súng vì trong nhiều trường hợp, không cần nổ súng vẫn tiêu diệt được đối tượng. Trong vũ khí có loại không nổ như: bắn chất độc, điện. Khi xã hội ngày càng phát triển hiện đại, các loại vũ khí khi sử dụng sẽ càng nhỏ gọn, tinh vi hơn, khi sử sụng sẽ không gây nổ. Như vậy, quy định chỉ là nổ súng như trong dự thảo chưa toàn diện. Cần giải thích từ ngữ về việc nổ súng để bao quát hết tất cả các trường hợp tạo điều kiện cho lực lượng đặc biệt khi được trang bị những loại vũ khí tối tân nhất trong tình thế cấp thiết, bất kể nổ hay không nổ vẫn triệt hạ được đối tượng.

    Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

    Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng xây dựng các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, an ninh và huy động các nguồn lực xã hội, các cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia hoạt động này để thống nhất với chủ trương của Đảng và pháp luật hiện hành về xây dựng công nghiệp quốc phòng.

    Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, các nước có trang thiết bị vũ khí hiện đại thường cho phép tất cả những cơ sở sản xuất kinh doanh chế tạo. Việc huy động các nguồn lực xã hội, các cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí là phù hợp với quan điểm của Đảng về công nghiệp quốc phòng.

    Về quy định nổ súng (Điều 21), một số ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc nổ súng, còn việc nổ súng trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy định trong các luật chuyên ngành. Một số ý kiến khác cho rằng, Luật này cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, không giao các Luật khác quy định về nổ súng để bảo đảm thực hiện thống nhất, một số trường hợp đặc biệt có thể quy định trong Luật chuyên ngành nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về nổ súng tại Luật này.

    Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, Luật này được xây dựng nhằm bảo đảm thống nhất quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Việc nổ súng của các lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng cần quy định đầy đủ về nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng làm căn cứ để các lực lượng thi hành công vụ thực hiện; đồng thời là cơ sở để các luật chuyên ngành cụ thể hóa quy định về nổ súng cho phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giữ nội dung này theo hướng quy định về nguyên tắc nổ súng và các trường hợp được nổ súng như dự thảo Luật.

    Cho ý kiến về nguyên tắc nổ súng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại Điểm b Khoản 2 điều 21: “Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu rơi vào trường hợp nguy hiểm, không nổ súng sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự xã hội, dù là phụ nữa hay người cao tuổi, nếu là đối tượng nguy hiểm vẫn buộc phải nổ súng.

    Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và cho rằng quy định như vậy cơ bản có kế thừa pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn. Về giải thích từ ngữ tại điều 3, các ý kiến tán thành việc chỉnh lý như trong dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục rà soát để khái quát chặt chẽ, đầy đủ hơn trong việc giải thích các khái niệm.

    Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí tại điều 15 là vấn đề mang tính chiến lược, gắn với công nghiệp quốc phòng và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị để làm cơ sở cho việc tiếp thu chỉnh lý vì còn nhiều ý kiến khác nhau.

    Về sử dụng tiền chất thuốc nổ, hiện còn ý kiến khác nhau giữa Bộ Công an, Bộ Công thương. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc tiếp thu chỉnh lý nội dung này của Ủy ban Quốc phòng an ninh, theo đó bổ sung thêm Điều 48a quy định về điều kiện trách nhiệm trong sử dụng tiền chất thuốc nổ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục làm rõ quy định bảo đảm mục tiêu quản lý chặt chẽ nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khác bởi tiền chất thuốc nổ cũng là đầu vào của một số mặt hàng phục vụ dân sinh khác.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo chặt chẽ hơn trước khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

    Vân Ngọc