Bế mạc Phiên họp thứ 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

18/10/2016

Sáng 18/10, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp                             Ảnh: Đình Nam

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau gần 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, đợt 1 từ ngày 3/10- 6/10, đợt 2 từ ngày 17- 18/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành Chương trình Phiên họp thứ 4.

Tại Đợt 1, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; các dự án Luật và một số Báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Đồng thời, xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các nội dung thảo luận, cho ý kiến tại Đợt 1 đã được Tổng Thư ký Quốc hội ban hành Thông báo đến các cơ quan, tổ chức hữu quan để triển khai thực hiện.

Tại Đợt 2, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và quyết định trước mắt sẽ xem xét để sửa đổi Luật đầu tư; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và đề nghị các cơ quan có liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh các Báo cáo, các dự án Luật và hồ sơ liên quan đến dự thảo Nghị quyết để gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, kịp thời phục vụ cho Kỳ họp thứ 2.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhiệm kỳ 2016- 2020. Theo đó, đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua việc phê chuẩn Ban Thư ký và thông qua quyết định thành lập Nhóm nữ nghị sĩ, nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Theo đó, đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành.

Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan theo phân công, chỉ đạo hoàn thành tất cả các công việc để phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào ngày 20/10 tới đây.

Quang Minh