HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE CHÍNH PHỦ BÁO CÁO VỀ VIỆC ÁP DỤNG KHOẢN 22 ĐIỀU 4 CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG SỐ 39/2019/QH14

11/01/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 52, chiều 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Theo chương trình phiên họp thứ 52, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng, theo đó, các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là vốn đầu tư công, nên Thường trực Ủy ban đề nghị không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định trên. Đối với việc quản lý các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%, Chính phủ cần rà soát các quy định của Luật Quản lý nợ công và các Luật liên quan.

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vấn đề này Chính phủ cần xem xét, rà soát theo Luật quản lý nợ công và một số Luật có liên quan để thực hiện.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Quản lý nợ công năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ban hành và có hiệu lực từ ngày 25/5/2020. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Luật cũng như các Nghị định nêu trên cũng chưa xác định rõ thẩm quyền, quy trình, thủ tục đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước vay lại 100%

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, theo Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ không có cách hiểu khác nhau về các quy định trên mà vướng mắc là do hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư với các dự án sử dụng “vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tại trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%” chưa cụ thể. Vì vậy, không cần thiết phải ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vấn đề này Chính phủ cần xem xét, rà soát theo Luật quản lý nợ công và một số Luật có liên quan để thực hiện

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách rằng không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công vì quy định này đã rõ ràng

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ cho rằng quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng, không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định này; đề nghị Chính phủ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công, đầu tư công và các Luật có liên quan để tổ chức thực hiện tốt

Minh Thành

Các bài viết khác