ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE THẨM TRA VỀ VIỆC CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI MỘT SỐ DỰ ÁN THÀNH PHẦN TRÊN TUYẾN BẮC NAM PHÍA ĐÔNG

11/01/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 52, chiều ngày 11/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư. Ngày 30/12/2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra nội dung trên.

Trên cơ sở Báo cáo số 610/BC-CP ngày 02/12/2020 của Chính phủ, tài liệu kèm theo, ý kiến của các đại biểu tại phiên họp và ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung chủ yếu sau đây:

Về phương án xử lý đối với các dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu (2 dự án thành phần) đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư: Theo Báo cáo số 610/BC-CP của Chính phủ, sau khi thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định, đến nay qua kết quả đấu thầu 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP có 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư. Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Nghị quyết 52) quy định: “Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư”. Do đó, việc Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với 2 dự án thành phần này là phù hợp.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Về phương án xử lý đối với 2 dự án thành phần này, có 02 loại ý kiến cụ thể như sau: Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư của 2 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước vì: (i) nếu tiếp tục đầu tư 2 dự án thành phần này theo phương thức PPP sẽ phải tổ chức lại công tác lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài và chưa chắc lựa chọn được nhà đầu tư, do đó sẽ không bảo đảm tiến độ, đồng thời không phát huy được hiệu quả tổng thể của Dự án vì 2 đoạn tuyến này nằm xen giữa các dự án thành phần khác đang triển khai thực hiện; (ii) việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước đối với 02 dự án thành phần này không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, không tăng tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết định và nguồn vốn đầu tư cho 02 dự án này được sử dụng từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52; (iii) Chính phủ dự kiến năm 2021 giải ngân hơn 15.030 tỷ đồng cho Dự án, nếu 2 dự án thành phần này được chuyển đổi sẽ có tác động lan tỏa tốt đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; (iv) công tác giải phóng mặt bằng của 2 dự án thành phần này (đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) đã cơ bản được hoàn thành, nếu chậm triển khai đầu tư có thể xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, khó khăn trong quản lý mặt bằng. Việc chậm triển khai dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, gây khó khăn hơn khi triển khai các dự án tiếp theo.

Loại ý kiến thứ hai: đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của 2 dự án thành phần này vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu thầu không thành công là do phương án tài chính của 2 dự án này chưa thực sự hấp dẫn; sau đó tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP. Do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 cho phép các dự án đầu tư theo phương thức PPP được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro cũng sẽ làm cho 2 dự án thành phần này trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua phương thức PPP sẽ giúp nhà nước giảm đầu tư từ ngân sách, dành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và các mục đích an sinh, xã hội cần thiết khác.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã được Quốc hội khóa XIV xem xét và thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 với tiến độ thực hiện dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2021, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay tiến độ của Dự án đã chậm so với dự kiến. Thực tế, 2 dự án thành phần này có nhu cầu vận tải rất lớn (xếp thứ hai và thứ ba trong 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP) cho thấy sự cần thiết, cấp bách của hai dự án này. Trong khi, đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 (03 dự án đầu tư theo phương thức PPP lựa chọn được nhà đầu tư, 06 dự án đầu tư công đang được các nhà thầu triển khai thi công), riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023. Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của Dự án. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến lựa chọn loại ý kiến thứ nhất.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư: Có ý kiến cho rằng thẩm quyền chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần này là của Quốc hội vì: (i) mặc dù khoản 4 Điều 3 của Nghị quyết 52 có quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, nhưng việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với các dự án thành phần sẽ dẫn đến thay đổi nội dung của Nghị quyết 52; (ii) Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có thể quyết định đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong khi đó, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư không quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuyển đổi dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng tại Tờ trình số 487/TTr-CP ngày 21/10/2017 về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội “Trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (khoảng 14.155 tỷ đồng/654 km); giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách thuộc danh mục các dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020, điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án (nếu cần thiết)”. Báo cáo số 225/BC-UBTVQH14 ngày 21/11/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 trình Quốc hội thông qua cũng nêu rõ: “Đối với trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư đa số các ý kiến ĐBQH thống nhất với phương án ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm tính cấp bách, kịp thời cho Dự án”.


Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), khi Quốc hội cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 3 dự án thành phần, cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ: sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh lần này, 5 dự án thành phần còn lại có phải một lần nữa điều chỉnh từ PPP sang đầu tư công không? Tại Báo cáo số 570/BC-UBTVQH14 ngày 18/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về nội dung này trình Quốc hội thông qua nêu: “trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 52”.

Mặt khác, tổng mức đầu tư sau khi cập nhập của 11 dự án thành phần so với bước nghiên cứu khả thi đã giảm khoảng 13.312 tỷ đồng và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52 đã bố trí không quá 23.461 tỷ đồng ngân sách nhà nước cho 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, nếu chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang đầu tư công sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước sẽ bố trí cho các dự án còn lại khoảng 54.939 tỷ đồng, do đó không vượt quá 55.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 52, nên sẽ không phải điều chỉnh bổ sung thêm vốn đầu tư công cho 2 dự án này.

Như vậy, nội dung Chính phủ báo cáo đã được đặt ra và Quốc hội đã giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư để bảo đảm tính cấp bách, kịp thời cho dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần này và báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ 11.

Về hình thức văn bản: Hiện nay, các quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện qua hai hình thức là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện thì quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với các dự án thành phần nên là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cùng với hồ sơ Dự án.

Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Minh Thành

Các bài viết khác