MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

15/10/2020

Thực hiện Phiên họp thứ 49, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo về Một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo số 1871/UBKHCNMT14 báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo Luật) từ sau Kỳ họp thứ 9 đến nay. Theo đó, một số nội dung gồm:

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường (Điều 29): Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Chuyển giao công nghệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy cần căn cứ vào quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường cho phù hợp. Dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ hơn tiêu chí để phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường như tại khoản 1 Điều 29 theo 04 nhóm và giao Chính phủ quy định danh mục cụ thể.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo về Một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Những quy định trên nhằm thống nhất các tiêu chí về môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường và đăng ký môi trường. Việc chỉnh lý phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường còn bảo đảm tính thống nhất với Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30): Nội dung này, Dự thảo Luật trình 02 phương án. Phương án 1 (Chính phủ trình theo Tờ trình số 252/TTr-CP đã được chỉnh lý bổ sung):  Như thể hiện tại Điều 30a của dự thảo Luật, là phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C). Theo phương án 1, thì các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án 2 (Tiếp thu chỉnh lý để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29 Dự thảo Luật): Thể hiện tại Điều 30b của Dự thảo Luật là dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Phương án này ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí phân biệt mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đồng thời đã thể hiện lại “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thay cho “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư công và các Luật liên quan.

Theo Phương án 2 thì đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư. Vấn đề này, đa số ý kiến của các đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo Phương án 2 (39/50 Đoàn có ý kiến). Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án 2. Xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về đánh giá tác động môi trường: Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý quy định đối tượng phải lập đánh giá tác động môi trường; cơ sở vật chất; yêu cầu về nhân lực tại các Điều 31, 34; quy định chủ dự án được trình đồng thời hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (khoản 2 Điều 35); điều kiện, trình độ của thành viên hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (điểm b khoản 3 Điều 35); trách nhiệm của thành viên hội đồng thẩm định trước pháp luật về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình (điểm đ khoản 3 Điều 35).

Về tham vấn trong đánh giá tác động môi trường​, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: Dự thảo Luật đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư hoặc nhóm người chịu tác động trực tiếp bởi dự án và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án; đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ hơn trách nhiệm thực hiện tham vấn, nội dung tham vấn chủ yếu cũng như các hình thức tham vấn, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết như tại Điều 33 để đảm bảo tính khả thi.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường​: Dự thảo Luật xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội thể hiện theo 02 phương án tại khoản 3 Điều 36 dự thảo Luật. Cụ thể, phương án 1: Theo Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ là giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Phương án 2: Theo ý kiến của nhiều Đoàn Đại biểu Quốc hội là giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Kết quả xin ý kiến, đa các Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo Phương án 2 (40/50 Đoàn có ý kiến). Các ý kiến này cho rằng, nếu quy định Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành vừa là cơ quan quyết định đầu tư vừa là cơ quan thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ thiếu khách quan. Vì thế, việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ thẩm định kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của từng dự án. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài nguyên & Môi trường nhất trí với phương án 2 như quy định tại khoản 3 Điều 36 của Dự thảo Luật. Xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Về giấy phép môi trường: Tại Dự thảo Luật xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã trình 02 phương án. Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình): Chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính (TTHC) cấp phép về môi trường. Đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường (GPMT) đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Phương án 2: Vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.


Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả xin ý kiến, đa số các Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định theo Phương án 1 (22/28 đoàn có ý kiến). Theo phương án 1 sẽ giải quyết được phần lớn các vướng mắc, bất cập trong thực tế thời gian qua, đáp ứng được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực môi trường. Thực hiện phương án này phải rà soát, quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Một số đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2 (6/28 Đoàn có ý kiến) cho rằng, việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là cần thiết để phân định rõ trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu trong nông nghiệp theo quy định của Luật Thủy lợi. Cũng có ý kiến đề nghị chọn giữa phương án 1 và 2. Theo đó, chỉ tích hợp 07 loại giấy phép môi trường đối với các công trình thủy lợi có tính chất mở, liên thông, còn các công trình thủy lợi được xây dựng khép kín thì thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi. Do Luật Thủy lợi mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ tháng 01/2018, là vấn đề phức tạp, nên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến chỉ đạo.

Về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực

Đối với các nội dung này, Dự thảo Luật đã được rà soát, tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý cụ thể của các đại biểu Quốc hội tại các điều, khoản và đã sắp xếp, bố cục lại một số điều cho hợp lý, bảo đảm tính logic, phù hợp thực tiễn.

Về đề nghị không quy định bộ phận chuyên trách và cán bộ chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ban quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có báo cáo, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã quy định Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường (Điều 65, Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường 2014) và đang thực hiện ổn định. Vì vậy, xin đề nghị được giữ nội dung này và tiếp thu, chỉnh lý một phần như tại khoản 2 Điều 51 và khoản 2 Điều 52 của Dự thảo Luật để công tác bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân: Tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76; giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, loại chất thải phát sinh như tại khoản 7 Điều 80.

Về lộ trình bắt buộc thực hiện, chậm nhất là ngày 31/12/2024 như tại khoản 7 Điều 80 Dự thảo Luật.

Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường

Đối với chính sách thuế, phí về BVMT (Điều 137): Nghiên cứu tiếp thu ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định mang tính nguyên tắc xác định đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường tại Điều 137 cho phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Phí và Lệ phí. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về thuế, phí Bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về phí, lệ phí.

Dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối Bộ Tài chính trong việc đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế, phí bảo vệ môi trường đối với từng đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường và phương pháp tính phí bảo vệ môi trường.

Về ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường (Điều 149): Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường theo hướng không quy định tỷ lệ mức chi tối thiểu 01% tổng chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường thay vào đó là quy định tăng chi ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường theo khả năng ngân sách Nhà nước và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước từng giai đoạn; đồng thời bổ sung quy định về thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư về bảo vệ môi trường sau khi đã đảm bảo các nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường đối với nội dung chi thường xuyên sự nghiệp bảo vệ môi trường như tại điểm o khoản 1 và khoản 3 Điều 149 của dự thảo Luật. Nghị quyết số 86/2019/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 cũng đã cho phép được sử dụng kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp môi trường còn dư để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư cụ thể nhằm giải quyết ngay những vướng mắc bất cập, có kinh phí nhưng ko thể phân bổ trong khi nhu cầu chi cho bảo vệ môi trường để thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn. Việc có mục chi riêng cho hoạt động đầu tư phát triển bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác bảo vệ môi trường, hơn nữa nội dung này cũng đã được quy định và thực hiện ổn định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Một số vấn đề cụ thể khác

Kiểm toán Nhà nước đề nghị sửa lại Điều 75 quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn áp dụng hiện nay và nhiều nước trên thế giới. Quy định như Điều 75 của Dự thảo Luật hiện nay chỉ áp dụng đối với Kiểm toán độc lập.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Nội dung về kiểm toán môi trường trong Dự thảo Luật nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.

Mặt khác, theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, môi trường là tài sản công, được hiểu dưới dạng tài nguyên bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như đất đai, nước, khoáng sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị được giữ quy định về kiểm toán môi trường tại Luật này như thể hiện tại Điều 75 của Dự thảo Luật.

Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật đã nghiên cứu tiếp thu, rà soát, chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung cụ thể tại các điều, khoản mà các đại biểu Quốc hội quan tâm; các nội dung về tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; về văn phong, bố cục, kỹ thuật văn bản…Với Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

Bích Lan