BỘ CÔNG AN: BÁO CÁO TRIỂN KHAI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT

12/09/2019

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng ngày 12/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm phát luật năm 2019. Qua đó cho thấy công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực.

Trình bày tóm tắt Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm phát luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm cho biết, năm 2019, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, tác động đến an ninh, phát triển kinh tế toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá trên các lĩnh vực; áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn... đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 84,2% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao); kiềm chế và đẩy lùi tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận.

Báo cáo các kết quả cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, các lực lượng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm, nhất là những vấn đề dư luận xã hội bức xúc như: tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm xâm hại trẻ em; mua bán bào thai, tội phạm cướp ngân hàng, tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây án...Đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2% (án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%); về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; triệt phá 2.167 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm, báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, phát hiện 20.558 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, khởi tố 299 vụ, 324 bị can. Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý.

Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông phát hiện 287 vụ, 437 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học; khởi tố 127 vụ, 258 bị can. Qua đấu tranh cho thấy, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Đáng lưu ý, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, đã phát hiện 20.247 vụ, 31.464 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 01 tấn heroin, gần 06 tấn ma túy tổng hợp, trên 600 kg thuốc phiện, 760kg cần sa và nhiều tang vật liên quan. Trong đó đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn.

Về tình hình, công tác xử lý vi phạm hành chính, chỉ tính riêng lực lượng Công an đã phát hiện, xử phạt trên 3 triệu trường hợp vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy: Đã phát hiện 1.802 vụ vi phạm hành chính, phạt gần 10 tỷ đồng. Đã phát hiện, xử lý gần 1,5 triệu trường hợp vi phạm về quản lý cư trú, phạt gần 23 tỷ đồng; 2.793 trường hợp vi phạm pháp luật về xuất, nhập cảnh, xử phạt gần 6 tỷ đồng; 10.475 vi phạm liên quan đến các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, xử phạt hơn 25 tỷ đồng...

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt coi trọng thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm

Bộ trưởng Bộ Công an dự báo năm 2020, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng. Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Hai là,  Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Ba là, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu đề xuất các các chủ trương, giải pháp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh tại các địa bàn chiến lược; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các sự kiện đối ngoại trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Bốn là, đặc biệt coi trọng và chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 12/9 

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự tự giác của nhân dân trong phát hiện, tố giác, tham gia đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong nhân dân không làm phát sinh tội phạm. Năm là, tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi lên. Tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất hàng giả; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đánh bạc; tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường...

Sáu là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt điều tra.

Ngoài ra, trong phương hướng, giải pháp phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2020, Chính phủ cũng xác định thực hiện tốt các mặt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh