Hoà đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, là lẽ sống tự nhiên của Bác

19/05/2010

Phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Hội thảo “Bác Hồ với thiên nhiên và sinh vật cảnh”

Kính thưa các vị đại biểu,

 

Kính thưa các vị khách quý,

 

Hôm nay, tôi rất vui mừng được Thường trực Ban Bí thư phân công đến dự cuộc Hội thảo “Bác Hồ với thiên nhiên và sinh vật cảnh” do Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại quê hương của Bác Hồ muôn vàn kính yêu đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Điều này càng hết sức có ý nghĩa khi cả nước đang hướng về Người với lòng thành kính biết ơn vô hạn, tiếp tục khẳng định giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng, các nhà văn hóa, các nhà khoa học, các vị đại biểu trên mọi miền của đất nước về dự Hội thảo. Xin cảm ơn sự chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm của đồng chí Chủ tịch Hội, các vị trong Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam, tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị và cá nhân đã có bài viết, tham gia cuộc Hội thảo và cả sự ủng hộ về vật chất và tinh thần cho cuộc Hội thảo quan trọng này. Chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu dồi dào, sức khỏe, nhiều niềm vui, hạnh phúc. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

 

Thưa quý vị đại biểu

 

Khi nói đến Bác, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đó như lẽ sống tự nhiên của Bác. Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Bác gắn liền với đời sống con người nơi đó. Về nước sau 30 năm xa cách, ta đã biết Bác xúc động thế nào khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương, đất nước. Và rất dễ hiểu khi Pắc Bó hiện lên núi Các Mác, suối Lê-nin. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào. Khi ở chiến khu Việt Bắc, lán Bác ở, nhà họp của Bác đều gắn với khung cảnh thiên nhiên nơi đó. Có đất trống để trồng cây, trồng rau. Ngay bãi bóng chuyền, nơi tập thể dục cũng không ngoại lệ. Khi về Hà Nội, ta đã biết Bác sống tại đó mà hôm nay chúng ta có khu di tích nơi ở và làm việc của Bác trong Phủ Chủ tịch. Khu di tích đó không bao gồm các toà nhà lớn mà chỉ tính từ đường xoài đến vườn cây, ao cá và Nhà sàn Bác Hồ.

 

Hồ Chí Minh và di sản của người còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế, nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh đã viết và diễn giảng về Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ, nhưng Hồ Chí Minh sống hết sức giản dị, giàu lòng nhân ái, Người mang tư duy của tương lai, luôn đi trước thời đại, không phải chỉ có về triết học, kinh tế, chính trị học mà trước hết là về thiên nhiên. Mấy năm gần đây trước nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới và Liên hiệp quốc đã đặt ra chương trình mục tiêu trồng hàng tỉ cây xanh, các bạn đã viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra Tết trồng cây từ nửa thế kỷ trước cho nhân dân mình”. Từ trước năm 1960, Bác Hồ đã thường xuyên khuyến khích các địa phương và nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tự mình tham gia trồng cây. Dặn dò mọi người biết giữ gìn và tu bổ vườn Bách Thảo, xây dựng công viên Thống Nhất, đường Thanh Niên. Bác còn dặn các tổ công tác, phái viên của Trung ương khi phát động chiến dịch 4 triệu tấn than, xây dựng các khu công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì, Hà Bắc - không chỉ coi trọng chất lượng, tiến độ của công trình, mà phải coi trọng an toàn lao động, điều kiện lao động và đặc biệt môi trường trong lành, dành nhiều diện tích trồng cây xanh, khai thác than xong phải phủ đất, trồng cây. Đối với tổ công tác được giao nhiệm vụ “chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của địch” từ Nghệ An đến Vĩnh Linh, Bác vẫn nhắc các địa phương chăm sóc rừng, trồng nhiều cây trên đồi, đất hoang cũng là tích cực chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của địch.

 

Bác Hồ với thiên nhiên là như vậy. Hòa đồng với thiên nhiên không chỉ vì cảnh sắc thiên nhiên đẹp mà chính vì cần môi trường sống trong lành. Có nhiều cây xanh, rừng rậm, bãi sú vẹt, rừng ngập mặn sẽ giảm bớt tai họa của bão lũ, khô hạn, sóng biển, triều cường. Nhất là ngày nay với nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, tư duy của Bác Hồ về thiên nhiên, quan niệm về trồng cây xanh, về cách ứng xử với thiên nhiên của Bác càng gần gũi và thời sự hơn bao giờ hết đối với chúng ta.

 

Thưa quý vị đại biểu

 

Với thiên nhiên, tư duy và cách ứng xử với thiên nhiên của Bác Hồ như trên chỉ có thể hiểu theo tầm nhìn về một nhân cách Hồ Chí Minh, trong lĩnh vực sinh vật cảnh càng khẳng định vườn cây, ao cá Bác Hồ có giá trị gắn với tâm hồn, lối sống của Bác. Bác sống hòa đồng với thiên nhiên trong một khuôn viên nhỏ (so với khuôn viên của Phủ toàn quyền Đông Dương trước đây), với đường xoài quen thuộc còn lại mãi đến hôm nay. Và có lẽ chỉ có đường xoài đó là gắn với khuôn viên cũ, bởi đường xoài là cảnh sắc thiên nhiên được Bác lưu tâm chăm sóc ngay từ khi Bác về ở trong căn phòng của Người thợ điện cũ. Vườn cây, ao cá bên cạnh Nhà sàn là công trình của Bác và anh em giúp việc Bác. Nhìn từ góc cạnh các nghệ nhân sinh vật cảnh, thì Bác đã có sáng kiến cùng anh em giúp việc cứu chữa cho một cây cổ thụ bị lũng thân sắp chết. Bác cùng anh em chăm sóc và tô điểm cho hàng bụt mọc trở nên hấp dẫn. Bác cũng cùng anh em lựa cách kéo cho rễ cây cổ thụ gắn xuống đất tạo cảnh “cổ kỳ mỹ” như cách nói của các đồng chí ngày nay. Việc đáng ghi nhớ nữa là những giò phong lan ghép vào một gốc cây già phía dãy nhà cấp 4. Kỳ lạ sao những giò phong lan đẹp một cách lạ thường. Lan đẹp nhưng cách chơi lan của Bác rất đẹp. Các đồng chí nữ, các em, các cháu là anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm Bác đều được Bác ngắt những bông hoa lan đẹp nhất tặng cho.

 

Vườn của Bác có hai khu cạnh Nhà sàn là nơi Bác trồng hoa, những loại hoa Việt Nam dân giã nhất, dễ trồng, cho bông quanh năm và có mùi thơm thanh khiết. Cũng ở đây, cây vú sữa của đồng bào miền Nam được Bác chăm sóc như tấm lòng của Bác với miền Nam ruột thịt. Còn bên kia ao cá là các cây ăn trái, có cam, có bưởi, có cả gốc dừa đưa từ miền Nam ra. Tại đất thiêng này, do sự quan tâm của Bác, do anh em thương Bác mà ra sức chăm cây nên cam, bưởi năm nào cũng trĩu quả vừa đẹp, vừa thơm, vừa ngon. Bưởi không nhiều, đến mùa bưởi, những đồng chí ở gần Bác được chia phần. May mắn cho vị khách trong nước và nước ngoài đến đúng dịp thì cũng có phần hoặc được mời ăn tại chỗ. Riêng cam thì tết năm nào, Bác cũng tổ chức gặp mặt chúc tết các đồng chí Trung ương và các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và tự tay chia cho mỗi người một quả.

 

Chúng ta cũng hết sức trân trọng cách nuôi cá của Bác. Bác có một bình thủy tinh nuôi cá vàng để trong phòng khách cho các cháu nhỏ vui khi đến thăm Bác. Nhưng đàn cá lớn dưới ao mỗi chiều khi Bác cho cá ăn, từng đàn quây quần bên chân Bác nhận thức ăn. Ai có dịp được ngắm cảnh đó thì chắc thật là hạnh phúc, chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên về Bác với thiên nhiên, với sinh vật cảnh. Cá ao của Bác cũng được làm quà tặng cho các địa phương nhân giống, cho các cán bộ có công, cho những người tiêu biểu nhằm phát động phong trào sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời cũng chính là tấm lòng nhân hậu, yêu thương của Bác đối với đồng bào, đồng chí.

 

Với tấm lòng kính trọng và xúc động, chúng ta điểm lại đôi điều như vậy để mỗi chúng ta sẽ suy nghĩ và hiểu sâu sắc thêm phong cách giản dị, gần gũi với thiên nhiên của Bác; việc Bác trân trọng, dày công chăm sóc từng nhành cây, búp lá, từng đóa hoa thơm, quả ngọt, Bác đã có những giây phút thư giãn, thanh thản nhưng có ý nghĩa sâu sắc, minh chứng sinh động về tầm nhìn, một nhân cách Hồ Chí Minh

 

Thưa các quí vị đại biểu,

 

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác với mục đích và chủ đề của Hội thảo chắc chắn sẽ góp phần xứng đáng vào việc tiếp tục tìm hiểu, khẳng định tư tưởng của Bác với thiên nhiên và sinh vật cảnh. Sau cuộc Hội thảo này, Hội sinh vật cảnh cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phát huy những thành tựu đã đạt được, tận dụng thời cơ, vượt khó khăn, thách thức, tăng cường đoàn kết thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đề ra. Tôi cũng tin rằng tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác, chăm lo sản xuất, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là phong trào nuôi, trồng phát triển sinh vật cảnh sẽ ngày càng thu được kết quả tốt, vừa tạo môi trường sống trong lành vừa trở thành một ngành kinh tế mang lại lợi ích lớn cho xã hội, cho từng gia đình, từng địa phương, cho đất nước; mặt khác tất cả chúng ta sẽ tiếp tục hưởng ứng phong trào trồng cây xanh; thực hiện Tết trồng cây nhớ ơn Bác; bảo vệ, khai thác rừng có hiệu quả; thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị; trân trọng và phát huy sự đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các tài năng, các nghệ nhân, các nhà quản lý tham gia xây dựng Hội sinh vật cảnh của chúng ta ngày càng vững mạnh.

 

Một lần nữa tôi xin kính chúc sức khỏe các đồng chí, các quý vị đại biểu, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

 

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí, các quý vị đại biểu!

(http://nguoidaibieu.com.vn)