THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP THỨ 30

16/01/2019

Ngày 10/01/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 30 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thông qua 03 Nghị quyết.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp như sau:

1. Về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để chỉnh lý bước đầu dự thảo Luật. Đây là dự án Luật lớn được sửa đổi toàn diện, có tính chất phức tạp, một số vấn đề mới chưa có thực tiễn nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp và các cơ quan liên quan cần kết hợp tổ chức khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các nhà khoa học về từng nhóm vấn đề cụ thể làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp tới. Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ, pháp luật quốc tế về các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật hiện chưa có thực tiễn ở Việt Nam để cung cấp thông tin khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tính khách quan và khả thi của dự án Luật.

Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về các vấn đề còn ý kiến khác nhau được Ủy ban Tư pháp thống nhất với Bộ Công an trình xin ý kiến tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau:

1.1. Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam (các điều: 17, 32 và 33)

 Từ kết quả tổng kết thực tiễn thực hiện thí điểm tại 24/54 trại giam trong toàn quốc những năm vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị về việc bổ sung quy định cho phép trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam và phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức cho phạm nhân lao động là cần thiết. Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, tạo điều kiện tốt hơn cho phạm nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ về lao động, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục cải tạo trong công tác thi hành án phạt tù. Việc tiếp thu, chỉnh lý điều luật quy định về vấn đề này cần lưu ý các nội dung sau: 

- Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam do trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện và không được làm phát sinh phân trại mới hoặc phải đầu tư từ ngân sách nhà nước. Không xây dựng khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam trong khu vực dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân. 

- Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và các quy định của pháp luật về lao động; bảo đảm công khai, minh bạch và quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân như: bổ sung mức ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...; nội luật hóa, tuân thủ đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết liên quan đến sử dụng lao động phạm nhân. 

- Quy định nguyên tắc các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi... Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.  

1.2. Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27)

Người chấp hành án phạt tù bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do do bị giam giữ, đồng thời có nghĩa vụ lao động, học tập cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, các quyền công dân không thể bảo đảm thực hiện đầy đủ như đối với công dân bình thường ở ngoài xã hội. Theo nguyên tắc hiến định về hạn chế quyền con người, quyền công dân, trên cơ sở quy định của luật và các văn bản quy định chi tiết dưới luật hiện hành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, cần quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của phạm nhân vào dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay. Đồng thời, cân nhắc bổ sung phương án quy định giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với phạm nhân trong một số trường hợp cụ thể.  

1.3. Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (Chương XI)

Trên cơ sở các phương án được báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất của Ủy ban Tư pháp về việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về thẩm quyền thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và Cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc thi hành các hình phạt đối với pháp nhân thương mại gồm: đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn và thi hành các biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự. Về cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế. 

1.4. Về quy định trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất của Ủy ban Tư pháp và Bộ Công an về tiếp thu, chỉnh lý quy định về quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng (bao gồm: người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ) theo hướng cơ bản giữ như quy định của Luật hiện hành về vai trò chủ trì của Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Công an cấp xã trong việc tham mưu, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng để khắc phục những bất cập hiện nay.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 Nghị quyết về việc:

- Cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia;

- Thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; 

- Nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

*

*          *

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội