Thông báo số 1103/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 13

11/10/2017

QUỐC HỘI KHÓA XIV

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI

Số:   1103 /TB-TTKQH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày  08 tháng 9 năm 2017

 

THÔNG BÁO

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn

và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 13

Ngày 16/8/2017, tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tham gia trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Tham dự phiên họp còn có đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên chất vấn được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để các vị đại biểu Quốc hội trong cả nước tham gia chất vấn; được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn như sau:

I. Phiên chất vấn đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, đúng quy định. Nội dung chất vấn tập trung vào Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chuẩn bị tốt những nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, nắm rõ tình hình của ngành, lĩnh vực được phân công; có nhiều cố gắng trong việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phụ trách và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được tăng cường và có chuyển biến nhất định; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị có tiến bộ, từng bước bảo đảm sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện có kết quả; công tác nâng cấp, phân loại đô thị có nhiều đổi mới. 

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội; tiến độ xây dựng các loại quy hoạch theo quy định (nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, kể cả quy hoạch không gian ngầm, giao thông tĩnh...) còn chậm; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu đồng bộ; một số đồ án quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu; công tác quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn chưa chặt chẽ, điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện; quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối gây khó khăn cho doanh nghiệp, tác động đến môi trường. Quy hoạch về xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý giữa yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn với quy hoạch phát triển giao thông nông thôn, quy hoạch xây dựng trường học, trạm xá, chợ, nhà văn hóa, có nơi thừa, nơi thiếu hoặc không phù hợp với phong tục, tập quán ở địa phương. Việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ; tình trạng xây dựng trái phép vẫn diễn ra và chưa được xử lý kịp thời; việc thực hiện di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô các thành phố lớn còn chậm, tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng gia tăng, dẫn đến ngập úng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông đô thị ngày càng nghiêm trọng; an toàn cháy nổ chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, trách nhiệm của các bộ liên quan, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trách nhiệm chính thuộc về Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là những đô thị lớn, tập trung đông dân cư.

II. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp và cam kết mà đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các vị Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu; trong thời gian tới, đề nghị tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị và Luật Kiến trúc theo đúng tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, bảo đảm chất lượng. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án cấp quốc gia về  phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật;

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự án Luật Quy hoạch đang được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 theo hướng tích hợp, tránh mâu thuẫn giữa quy hoạch tổng thể quốc gia với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, giữa quy hoạch mới và quy hoạch cũ, bảo đảm tính thống nhất và có tầm nhìn dài hạn từ 20-30 năm;

- Thực hiện nghiêm việc sử dụng quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng trong việc giám sát, thẩm định, cấp phép, quản lý xây dựng; đồng thời, tổ chức rà soát để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, như: Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức rà soát các quy hoạch đô thị gắn với bảo đảm giao thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là trong xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng;

- Khẩn trương xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các đối tượng phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015. Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không dành cho xây dựng các công trình làm tăng mật độ dân cư khu vực được di dời;

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung ở các đô thị phù hợp với tốc độ phát triển đô thị, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn (có kế hoạch cụ thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2017); chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ; tổ chức kết nối hạ tầng theo vùng, theo lãnh thổ và phát triển mạnh giao thông công cộng tại các đô thị lớn; gắn kế hoạch đầu tư phát triển đô thị với quy hoạch xây dựng, giao thông đô thị và bảo vệ môi trường;

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý, đầu tư, xây dựng, nhất là việc cấp giấy phép quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng đề án về hệ thống cơ sở dữ liệu và công khai thông tin quy hoạch xây dựng;

- Chỉ đạo thực hiện và đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra sự tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng ở đô thị của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; bảo đảm tỷ lệ xây dựng trái phép giảm dần qua từng năm. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra nhất là đối với các công trình xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng và không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thanh tra, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thanh tra.

III. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tập trung chỉ đạo, có kế hoạch, biện pháp thiết thực thực hiện những vấn đề đã cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tạo sự chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế; gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào các kỳ họp cuối năm. Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc thực hiện các cam kết của những người được chất vấn tại Phiên họp này.

TỔNG THƯ KÝ

(Đã ký)

Nguyễn Hạnh Phúc

 

(Văn phòng Quốc hội)